Bé khiếm thính 6 tuổi trọ học một mình ở Thủ đô
Bé khiếm thính 6 tuổi trọ học một mình ở Thủ đô
Sau ngày khai giảng, Vũ Hữu Hiếu quê Hưng Yên bắt đầu sống xa bố mẹ, trọ nhờ nhà dân tại Hà Nội để theo học trường Xã Đàn dành cho trẻ khiếm thính.
Trống trường PTTH Xã Đàn sáng 5/9 vang lên giòn giã, hàng trăm học sinh cờ hoa tưng bừng mừng khai giảng năm học mới. Bên hành lang trường, chị Nguyễn Thị Hằng nhìn chăm chú vào cậu bé đứng ở đầu hàng học sinh đang làm lễ. Từ hôm nay, bé Hiếu, 6 tuổi, con chị, sẽ vào lớp Một.
Người mẹ 28 tuổi vẻ mặt hằn nỗi vất vả, cho biết Hiếu sinh ra trắng trẻo, bụ bẫm như bao đứa trẻ khác. Lên một tuổi, bé bị viêm tai giữa. Gia đình đưa con chạy chữa khắp nơi nhưng không được, bé bị biến chứng thành câm điếc. Bố mẹ đã mua máy trợ thính, đồng thời cố gắng đưa bé đến trường đúng tuổi như bạn bè đồng trang lứa.
"Con tôi không may thiệt thòi, chỉ có cách cho cháu đi học để bù đắp. Năm bé 3 tuổi đến nay, tôi dành 2-3 buổi mỗi tuần chở con lên Hà Nội học khẩu ngữ", người mẹ cho biết.
Hiếu vào lớp một, gia đình có thể cho học ở trường tại Hưng Yên cách nhà hơn chục km. Tuy nhiên cân nhắc điều kiện giáo dục tại trường dành cho trẻ khiếm thính Xã Đàn thuộc Hà Nội, anh chị quyết định cho bé học ở đây. Suốt 2 tháng hè vừa qua, hai mẹ con hàng ngày vượt 60 cây số từ Hưng Yên lên Hà Nội để bé Hiếu làm quen với học tập tại trường Xã Đàn, giúp bắt kịp chương trình.
"Quê tôi cũng có trường dành cho trẻ không may thiệt thòi nhưng chỉ phổ cập hết tiểu học, còn trường Xã Đàn dạy trẻ đến hết cấp 2", chị Hằng chia sẻ.
anh3-1378369242.jpg
Bé Vũ Hữu Hiếu giữa các bạn học trong lễ khai giảng trường Xã Đàn sáng 5/9. Ảnh: Lê Hiếu.
Người mẹ khoe, sau hai tháng học hè, bé Hiếu ngoan hơn, đã biết lấy sách ra làm bài tập vào buổi tối. "Thằng bé chơi đùa, hòa đồng với bạn, cười nhiều hơn, không như trước đây chỉ lúc nào ăn cơm, đi vệ sinh mới biết ú ớ", người mẹ đầy tự hào.
Để được đi học tại Hà Nội, cậu bé 6 tuổi phải ở trọ một nhà dân gần trường, buộc xa gia đình. Vợ chồng chị Hằng phải trả 3,5 triệu đồng mỗi tháng tiền thuê trọ và ăn uống cho con. Hiếu còn nhỏ quá chưa hình dung hết khó khăn khi phải sống xa bố mẹ nên vẫn hồn nhiên cười đùa. Còn chị Hằng mỗi khi nghĩ đến cảnh sẽ phải để con ở lại một mình mà cứ nghẹn ngào nuốt nước mắt vào trong.
"Bằng tuổi cháu, những đứa trẻ khác còn chưa chịu ăn cơm uống nước, huống hồ con tôi thua thiệt không nghe không nói được. Nhưng một khi quyết định cho con lên Hà Nội học là vợ chồng tôi đã xác định lâu dài cho sức khỏe của cháu. Phải tập cho cháu ở một mình quen dần. Vợ chồng tôi còn lo kiếm tiền nuôi con", đôi mắt người mẹ đỏ hoe.
Vợ chồng chị Hằng đều là công nhân, lương mỗi người chỉ 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Nhờ giới thiệu, anh chị gửi nhờ Hiếu trọ ở một gia đình có kinh nghiệm chăm trẻ khiếm thính. Chi phí cho bé mỗi tháng chừng 3,5 triệu. Để tập cho con quen với việc học và môi trường sống mới, chị Hằng sẽ ở cùng một vài tuần.
Giữa những phụ huynh đưa con đến dự lễ khai giảng ở trường Xã Đàn ngày khai giảng, có bà Chỉnh (63 tuổi, Phú Thọ). Gặp ai, bà cũng khoe: "Đã xin được cho Trọng học lại lớp một rồi nhé, học lại cho chắc". 4 năm nay, ngày hai buổi, bà Chỉnh bắt xe buýt đưa đón cháu đi học. Bà ngước đôi mắt kèm nhèm nhìn đứa cháu có đôi mắt đen láy, không khỏi xót xa: "Nó kháu khỉnh thế mà lại không nghe, không nói được".
Cháu bà - bé Trọng học ở trường Xã Đàn từ mẫu giáo, đến nay đã 5 năm. Năm ngoái 7 tuổi em vào lớp một, song chưa nhận rõ mặt chữ nên bà Chỉnh đã xin cho cháu được học lại. "Với những đứa trẻ kém may mắn ở đây, việc học không thể tính một năm một lớp mà cố gắng sao cho chúng học chữ nào chắc chữ đó", bà bày tỏ.
Còn bé Thảo Nguyên năm nay 8 tuổi mới bước vào lớp Một. Em bị câm điếc kèm theo chứng tự kỷ. Trong một căn phòng chật hẹp ở phố Ngô Sĩ Liên (Hà Nội), cả buổi chiều, Thảo Nguyên hý hoáy nghịch hộp bút chì màu. Hỏi gì em cũng chỉ lắc đầu, cười, lảng tránh. Em là con của đôi vợ chồng cũng câm điếc.
Giao tiếp bằng nét chữ nguệch ngoạc, mẹ bé là chị Lan chia sẻ, vợ chồng chị cũng bị câm điếc và đều là học sinh của trường Xã Đàn. Thảo Nguyên sinh ra bình thường, bị câm điếc là do hoàn cảnh. Vợ chồng chị Lan sống riêng, đi làm cả ngày. Từ nhỏ, Thảo Nguyên thường xuyên bị nhốt ở nhà. Lúc bố mẹ về thì trong nhà cũng không có tiếng giao tiếp nên bé không có điều kiện học nói. Đến khi họ hàng phát hiện sự việc, đưa bé đi kiểm tra thì bác sĩ bảo "cổ họng bé đã cứng, không nói được nữa".
Ngày đầu tiên vào lớp, cô bé lúc khóc, lúc cười, khi lại nằm im ngoan ngoãn. "Bé bị câm điếc và còn dấu hiệu tăng động, giảm chú ý", cô Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp của Thảo Nguyên cho biết.
Nguồn tin: http://vnexpress.net/