Tin tức 

KHU KINH TẾ VEN BIỂN QUẢNG YÊN, TỈNH QUẢNG NINH

 MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN

về Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

Ngày 24/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 29/2020/QĐ-TTg Về việc thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ban Tuyên giáo Thị ủy Quảng Yên thông tin một số nội dung cơ bản về Khu kinh tế như sau:

1. Về sự cần thiết thành lập KKT

- Quảng Ninh là tỉnh có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, vừa thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ, vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (một trọng điểm trong tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Hiện nay, Quảng Ninh có ba khu vực kinh tế lớn, đó là trung tâm thương mại Hạ Long, khu KTCK Móng Cái và KKT ven biển Vân Đồn, đây là những đầu mối giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và các khu vực lân cận.

- KKT Quảng Yên (nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ninh) hiện được đánh giá là vùng đất có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển thành vùng kinh tế động lực ở Quảng Ninh nói riêng và vùng Bắc Bộ nói chung. Hiện nay, KKT này đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính, tầm nhìn dài hạn, kinh nghiệm và định hướng phát triển thân thiện môi trường đầu tư như: Tập đoàn Amata (Thái Lan) đang nghiên cứu đầu tư dự án xây dựng Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,5 - 2 tỷ USD; Tập đoàn Quốc tế CDC, Công ty Middle East (Singapore), Công ty Infra Asia Investment (Hong Kong) đã thành lập Công ty CP KCN Bắc Tiền Phong để đầu tư Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và KCN tại khu vực Đầm Nhà Mạc với tổng vốn đầu tư 315 triệu USD; Tập đoàn Rent A Port (Bỉ), Công ty International Port Engineering and Management (Bỉ) và Công ty Infra Asia Investment (Hong Kong) đã thành lập Công ty CP KCN Tiền Phong để đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN và cảng Nam Tiền Phong với tổng vốn đầu tư 128 triệu USD); … Đây là các nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực phát triển KCN, cảng biển và dịch vụ cảng. Bên cạnh đó, KKT này cũng đang trở thành địa điểm hấp dẫn đầu tư với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư lớn trong nước như: Công ty CP sửa chữa tàu biển NOSCO-VINALIES đầu tư dự án nhà máy sửa chữa và đóng mới tàu biển với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, Công ty CP Vận tải và Thương mại Xuân Trường Hai đang thực hiện dự án đầu tư cảng tổng hợp và khu liên hiệp thu mua, chế biến bảo quản tiêu thụ nông thủy sản với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.431 tỷ đồng, Công ty THHH MTV sửa chữa ô tô Hải Phòng đang thực hiện dự án đầu tư Dự án kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Bạch Đằng với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 994 tỷ đồng,…

- KKT Quảng Yên được thành lập sẽ có một ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi KKT này hứa hẹn trở thành: (i) một KKT mới năng động và hiện đại để tăng cường tính đối trọng, tạo ra sức mạnh cạnh tranh với các KKT khác của Trung Quốc và các nước ASEAN; (ii) một KKT phát triển toàn diện và bền vững trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế so sánh của KKT này để phát triển tổng hợp các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao; (iii) góp phần hình thành cụm liên kết ngành tại KKT Quảng Yên nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung; và (iv) một KKT đón đầu, tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch Covid-19 và thu hút luồng vốn đầu tư mới khi hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan AFTA, WTO và gần 20 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương bắt đầu có hiệu lực. KKT Quảng Yên gắn kết với thị trường hàng hoá, nguyên, nhiên liệu và dịch vụ các nước trong khu vực Đông - Bắc Á.

2. Về sự phù hợp với quy hoạch

- Về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 đã xác định: “Phát triển cảng Tiền Phong để kết nối, khai thác hiệu quả cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và phục vụ khu công nghiệp (KCN) Đầm Nhà Mạc khi có đủ điều kiện, đồng thời tranh thủ cơ hội từ hoạt động thương mại và dịch vụ cảng Lạch Huyện - Tiền Phong” và “Phát triển KCN Đầm Nhà Mạc: phát triển nhằm cung cấp dịch vụ hậu cần và vận chuyển phục vụ nhu cầu dự kiến của tổ hợp cảng Tiền Phong - Lạch Huyện và KCN Đình Vũ tại Hải Phòng; đồng thời góp phần khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long”.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 479/QĐ-TTg ngày 07/4/2020 về việc Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã khẳng định quan điểm, đó là: “Tiếp tục nghiên cứu quan điểm phát triển không gian của tỉnh theo hướng “Một tâm - hai tuyến - Đa chiều” với “Hai mũi nhọn đột phá” ....; KKT Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây ... phù hợp với Chiến lược, quy hoạch”.

3. Quy mô, vị trí KKT

Tổng diện tích dự kiến là 13.303 ha. KKT Quảng Yên là khu vực nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ninh, được hình thành trên cơ sở 02 khu vực: (i) Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao tại thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên và (ii) Khu dịch vụ cảng biển, cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc. Cụ thể:

+ Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao tại thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên, có tổng diện tích 6.403,7 ha, bao gồm: thành phố Uông Bí 2.551 ha (thuộc một phần của 5 xã/phường: Phương Nam, Phương Đông, Yên Thanh, Quang Trung và Điền Công (nay thuộc phường Trưng Vương) và thị xã Quảng Yên 3.852,7 ha (thuộc một phần của 8 xã/phường: Đông Mai; Minh Thành; Sông Khoai; Cộng Hòa; Hiệp Hòa; Yên Giang; Tân An và Hoàng Tân).

+ Khu dịch vụ cảng biển, cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc thuộc thị xã Quảng Yên, có tổng diện tích 6.899,3 ha, bao gồm: 02 xã Liên Vị, Tiền Phong và một phần của 05 xã/phường: Nam Hòa, Yên Hải, Phong Cốc, Phong Hải và Liên Hòa (diện tích trên đã được cập nhật theo Nghị quyết số 26/NQ- CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ về xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng tại hai khu vực do lịch sử để lại và Nghị quyết số 112/NQ- CP ngày 05/12/2019 của Chính phủ về việc sửa đổi nội dung mảnh bản đồ có phiên hiệu F- 48- 82- B- c- 2 ban hành kèm theo Nghị quyết số 26/NĐ- CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng tại hai khu vực do lịch sử để lại).

Khu vực dự kiến thành lập KKT ngày càng nổi bật trong vai trò “trạm trung chuyển quốc tế”, trở thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đi các khu vực thuộc Đông - Bắc Á, Đông Nam và Tây Nam Trung Quốc. KKT Quảng Yên là điểm ra biển và kết nối chặt chẽ với khu vực Hải Phòng - địa phương đang có nhu cầu phát triển rộng hơn về đầu tư và công nghệ; tạo thành một cửa vào, ra thuận lợi cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước nói chung. KKT Quảng Yên đang nổi lên như một địa bàn có ưu thế về hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ (đường cao tốc, cảng biển, đường sắt, sân bay). Nằm giữa ba thành phố Hải Phòng, Uông Bí và Hạ Long, với các kết nối đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long- Vân Đồn, nằm giữa hai cảng hàng không quốc tế Cát Bi và cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cùng với hệ thống cảng biển đang và sẽ được hình thành, nhiều công trình kết nối tỉnh, vùng quan trọng khác (Cầu Triều, cầu Rừng, cầu Lại Xuân, đường tốc độ cao 10 làn xe, đường ven biển, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái…), Quảng Yên trở thành địa điểm có kết nối cực kỳ thuận lợi với các phương thức vận chuyển hàng hóa và hành khách đa dạng, cả đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không. Bên cạnh đó, KKT Quảng Yên có khu cảng biển, mực nước sâu bình quân 6 m, sâu nhất đến 10 m; sóng nhỏ dưới 1 m, luồng lạch rộng đáp ứng được yêu cầu vào - ra của các tàu có trọng tải lớn trên 30.000 DWT.

4. Đánh giá các điều kiện thuận lợi Khu kinh tế Quảng Yên

4.1. Về có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế khu vực

Khu vực dự kiến thành lập KKT Quảng Yên là khu vực có vị trí địa lý rất thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội.

KKT này nằm trong trục tam giác kinh tế Đông Bắc Bộ (gồm Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh) và kết nối liên hoàn với mạng lưới giao thông quan trọng gồm: đường bộ, đường thủy (với cảng biển nước sâu) và đường hàng không, đã và đang giúp tăng khả năng kết nối KKT với các khu vực phát triển kinh tế khác trong tỉnh, vùng và quốc tế.

Đối với kết nối liên vùng, KKT nằm trên cao tốc Hạ Long- Hải Phòng kết nối với cao tốc Hà Nội- Hải Phòng và cách khu vực kết nối 25 km. Cách Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khoảng 50 km và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 10 km do đó việc kết nối KKT bằng đường hàng không với bên ngoài sẽ rất thuận lợi. Việc nằm gần kề với KKT Đình Vũ- Cát Hải (Hải Phòng), cách Cảng quốc tế Lạch Huyện khoảng 10km cũng là một lợi thế rất lớn.

Đối với kết nối quốc tế, KKT nằm trên vành đai ven biển trong chương trình hợp tác hai hành lang một vành đai Việt Nam- Trung Quốc và kết nối với các khu vực thuộc Đông- Bắc Á, Đông Nam và Tây Nam Trung Quốc.

Đối với kết nối các khu vực phát triển trong tỉnh, KKT có một phần thuộc thành phố Uông Bí, kết nối với thành phố Hạ Long bằng cao tốc Hạ Long- Hải Phòng, với KKT cửa khẩu Móng Cái bằng đường cao tốc Nội Bài- Móng Cái (tương lai) và cao tốc Hạ Long- Vân Đồn (đã hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018), cao tốc Vân Đồn- Móng Cái (đã khởi công xây dựng tháng 4/2019, dự kiến hoàn thành trong năm 2021). Ngoài ra, KKT này còn có tiềm năng lớn khi có đủ điều kiện để xây dựng cầu cảng tiếp nhận tàu cỡ lớn có trọng tải trên 30.000 DWT.

Như vậy, với lợi thế vừa có đường biển, vừa có đường bộ và đường hàng không sẽ giúp cho hoạt động vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu của KKT Quảng Yên rất đa dạng và có nhiều tiềm năng, lợi thế hơn so với các KKT khác. Chính với ưu thế về vị trí địa lý này, KKT Quảng Yên ngày càng nổi bật trong vai trò “trạm trung chuyển quốc tế”, trở thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đi các khu vực thuộc Đông- Bắc Á, Đông Nam và Tây Nam Trung Quốc.

4.2. Về quy mô và yêu cầu phát triển tổng hợp trong KKT

KKT Quảng Yên được định hướng phát triển với mô hình KKT tổng hợp, gắn đô thị với phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, cảng biển và dịch vụ cảng, thương mại, thuế quan, du lịch và các dịch vụ cao cấp khác; từng bước tiến tới một đô thị thông minh với cuộc sống và các dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế. Nâng cao chức năng hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, du lịch và các ngành kinh tế gắn biển thành một chức năng quan trọng của KKT để có thể phát triển nhanh, hiệu quả cao.

Trong quá trình triển khai quy hoạch và thu hút đầu tư theo từng giai đoạn, tỉnh Quảng Ninh sẽ xác định rõ những ngành nghề để hạn chế cạnh tranh và phát huy khai thác chuỗi giá trị của KKT Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) và các KKT ven biển khác.

4.3. Về khả năng thu hút dự án, công trình với quy mô lớn, quan trọng và có tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực

Đến thời điểm hiện nay, tại KKT Quảng Yên đã thu hút được 07 dự án đầu tư ngoài ngân sách (bao gồm cả các dự án đầu tư hạ tầng KCN) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 945,88 triệu USD, trong đó có 04 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 623,02 triệu USD và 03 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 7.425,9 tỷ đồng (tương đương 322,86 triệu USD), trong đó có nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Rent A Port (Vương quốc Bỉ), CDC International Corporation (Cayman Islands), Middle East Utilities Company Pte. Ltd (Singapore), Infra Asia Investment (Hong Kong) Limited, Tập đoàn Amata (Thái Lan), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Thành Công, E1 Corporation (Hàn Quốc) . Ngoài ra, hiện nay các chủ đầu tư hạ tầng các KCN (Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong,…) đang tiếp xúc với trên 30 nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Châu Âu, Hàn Quốc, Việt Nam để xúc tiến thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; bao gồm: sản xuất vật liệu xây dựng, bao bì sản phẩm, may mặc, sản phẩm thép và kim loại, phụ tùng điện, nội thất, sản xuất máy móc công nghiệp, sản phẩm hóa chất, ô tô, sản xuất giấy, sản xuất sản phẩm nhựa, cơ khí, điện tử, năng lượng mặt trời, phụ tùng ô tô), nhà xưởng xây sẵn, kho cảng hàng lỏng và tồn trữ sản phẩm xăng dầu với tổng diện tích đất khoảng 351,5 ha và vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 1 tỷ USD,… Như vậy, có thể khẳng định KKT Quảng Yên có khả năng thu hút dự án, công trình đầu tư với quy mô lớn, quan trọng và có tác động tới sự phát triển kinh tế- xã hội của cả khu vực.

4.4. Về khả năng phát huy tiềm năng tại chỗ

Việc thành lập KKT Quảng Yên sẽ tạo ra một cực tăng trưởng nữa và là hạt nhân, động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, góp phần cùng với các khu trọng điểm khác vào phát triển vành đai ven biển phía Bắc Vịnh Bắc bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trở thành cầu nối thị trường trong nước với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực.

Với sự quy tụ khá nhiều lợi thế mà rất ít các KKT khác có được (đó là lợi thế về mặt địa lý; lợi thế về cảng biển; lợi thế về thiên nhiên ưu đãi và nguồn tài nguyên), KKT Quảng Yên trong tương lai có khả năng phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp nặng then chốt, đóng góp vào sự nghiệp phát triển CNH- HĐH của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của đất nước nói chung.

4.5. Về tác động tới thiên nhiên, môi trường, quốc phòng an ninh

KKT Quảng Yên dự báo sẽ có một số biến đổi về môi trường. Tuy nhiên, theo việc biến đổi chất lượng môi trường (môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn,...) gần như không lớn và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. KKT Quảng Yên chủ yếu nhằm mục đích xây dựng và phát triển những trung tâm đô thị sinh thái gắn với bảo tồn các hệ sinh thái, là các KCN - đô thị tiêu biểu của vùng, hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đề án đã đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường ngay từ giai đoạn đầu tư xây dựng KKT này.

- Về quốc phòng, an ninh: Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt Nghị định số 164/2018/NĐ- CP ngày 21/12/2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế- xã hội và kinh tế- xã hội với quốc và các văn bản hiện hành về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ quốc phòng.

5. Phương hướng phát triển KKT ven biển Quảng Yên đến năm 2035

5.1. Về tiêu phát triển

- Xây dựng và phát triển KKT Quảng Yên để trở thành KKT tổng hợp, đa ngành, địa bàn hạt nhân và động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây tỉnh Quảng Ninh; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sinh học, công nghiệp phần mềm, công nghệ NANO, công nghiệp khí (khí gas và khí thiên nhiên hóa lỏng), công nghiệp nghiên cứu tái tạo năng lượng, trung tâm nghiên cứu dược phẩm, trung tâm nghiên cứu phát triển; là khu vực phát triển kinh tế biển năng động, cảng biển có quy mô lớn, gắn kết với các khu cảng biển Hải Phòng, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống dịch vụ cảng biển, logistics và các ngành công nghiệp liên quan đến cảng; là trung tâm đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí gắn với bảo tồn rừng ngập mặn tự nhiên, tạo động lực phát triển du lịch toàn vùng.

- Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu và có khả năng cạnh tranh cao.

5.2. Về chức năng của KKT ven biển Quảng Yên

Căn cứ vào quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 479/QĐ-TTg ngày 07/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ) và các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới (theo Thông báo số 197/TB- VPCP ngày 05/06/2020), chức năng của KKT ven biển Quảng Yên đến năm 2035 được xác định là:

- Là một trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và cảng biển của vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.

- Là trung tâm đầu mối về giao dịch, trao đổi hàng hoá và dịch vụ (đặc biệt là du lịch hàng hải) giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam và ASEAN; Việt Nam và Đông Á.

- Là một trung tâm công nghiệp chế biến, chế tác và lắp ráp xuất khẩu; là trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn với các chức năng: trung tâm công nghiệp nặng then chốt quy mô lớn của miền Bắc và cả nước, trung tâm công nghiệp khí (khí gas và khí thiên nhiên hóa lỏng) và trung tâm dịch vụ cảng và vận tải biển.

- Là trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí lớn của miền Bắc và có khả năng gắn kết được các địa phương để tạo thành tuyến du lịch động lực của toàn vùng.

5.3. Về các phân khu chức năng

KKT ven biển Quảng Yên bao gồm các khu chức năng như: khu, cụm công nghiệp (khu công nghệ cao, khu công nghiệp nặng, khu công nghiệp nhẹ, khu công nghiệp hóa dầu, khu công nghiệp phụ trợ); khu cảng và dịch vụ cảng; khu đô thị sinh thái; khu trung tâm tài chính; khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; khu phân bố các vùng nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ ven biển; khu dân cư; khu hành chính; trung tâm đào tạo nghề;...Quy mô, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch xây dựng KKT này do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

5.4. Về các giai đoạn phát triển

- Giai đoạn I (2020-2025): Tập trung kiện toàn bộ máy quản lý; xây dựng quy hoạch tổng thể chung và quy hoạch chi tiết cho các phân khu chức năng trong khu kinh tế ; xây dựng giải pháp, chính sách, kế hoạch, xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng và sản xuất kinh doanh trong khu kinh tế; chuẩn bị quỹ đất và kế hoạch tái định cư; tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên; xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng trong và ngoài các khu chức năng; xây dựng và nâng cấp hạ tầng các điểm dân cư đô thị, các đô thị sinh thái; từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế ; và tiếp tục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực.

- Giai đoạn II (2026-2035): Từng bước hình thành diện mạo của đô thị thông minh, với các dịch vụ giáo dục, y tế thống minh, vườm ươm công nghệ và khởi nghiệp; tạo điều kiện cùng cả nước thực hiện những nội dung cơ bản của công nghiệp 4.0, đưa nước ta vào giai đoạn phát triển "lấy sáng tạo làm chủ đạo" trong những năm 2030.

6. Về nguồn vốn đầu tư

Để đạt được các mục tiêu theo định hướng phát triển KKT Quảng Yên đến năm 2035, ước tính tổng nhu cầu đầu tư cho KKT này thời kỳ 2020- 2035 là khoảng 160-161 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm 10 nghìn tỷ đồng (bình quân tương đương 35% giá trị gia tăng sản xuất trên địa bàn). Riêng nhu cầu đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng cơ bản cho KKT Quảng Yên cả thời kỳ 2020- 2035 ước đạt 78-79 nghìn tỷ đồng (chủ yếu là các công trình cảng biển, đường giao thông, cấp điện, cấp nước, phát triển mạng bưu chính viễn thông, giải toả đền bù). Đặc biệt, riêng Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao dự kiến 1,5- 2 tỷ USD (tương đương 43-44 nghìn tỷ đồng).

Nguồn vốn đầu tư được huy động từ: ngân sách nhà nước (NSNN) và các nguồn vốn có nguồn gốc từ NSNN (15-20%); phần còn lại cân đối từ các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), khu vực FDI, ODA, NGO...

-----

Tin tức sự kiện 

TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

VỀ ATGT VÀ MA TÚY HỌC ĐƯỜNG

Sáng ngày 23/9, Trường Tiểu học Nguyễn Bình phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn tổ chức buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATGT và ma túy học đường. Tại buổi tuyên truyền, các em học sinh đã được nghe Thượng uý Hoàng Tiến Đạt, Cán bộ Đội CSGT và Thiếu uý Vũ Tiến Anh, Bí thư Đoàn TN-CATX tuyên truyền những quy định về Luật giao thông, các kĩ năng khi tham gia giao thông an toàn; Các loại ma túy và tác hại của ma túy, cách nhận biết dấu hiệu ma túy xâm nhập trong nhà trường và các biện pháp phòng, chống ma túy học đường. Tại buổi tuyên truyền, Trung tá Nông Văn Hòa, Phó trưởng công an phường Quảng Yên đã trao tặng 10 mũ bảo hiểm Hon da cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy và trò nhà trường trân trọng cảm ơn sự phối hợp tuyên truyền của các đồng chí cán bộ công an thị xã, công an phường Quảng Yên để giúp các em học sinh có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng xã hội.

Một số hình ảnh: 

-----------------------------------------------------------------

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ DO ẢNH HƯỞNG CƠN BÃO SỐ 3 - YAGI

(08/11/2024)

 KHẮC PHỤC HẬU QUẢ DO ẢNH HƯỞNG CƠN BÃO SỐ 3 - YAGI

Trong 2 ngày 8,9/9, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, UBND, HĐND phường Quảng Yên và các cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 476, Bộ tư lệnh Vùng I, Hải quân, Sư đoàn 395, các bậc cha mẹ học sinh đã cùng với CBGVNV nhà trường khắc phục hậu quả sau bão, giúp nhà trường chuẩn bị đón các em học sinh trở lại học tập đảm bảo an toàn, sạch đẹp.

Một số hình ảnh:

 

-----------------------------------------

TẾT TRUNG THU

(07/11/2024)

 TẾT TRUNG THU

NĂM HỌC 2024 - 2025

Nhân dịp Tết trung thu, đảng ủy, HĐND, UBND phường Quảng Yên tặng quà cho các em học sinh.

Một số hình ảnh: