CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG
GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
Trường trung học cơ sở Hà An được chính thức thành lập năm 1990; tiền thân là trường phổ thông cơ sở Hà An (1972). Như vậy, nhà trường đã trải qua 40 năm hình thành, tiếp nối, phát triển sự nghiệp và công lao của các lớp nhà giáo tiền bối, gắn bó máu thịt với quê hương mới Hà An trên con đường phát triển và đổi mới. Các thế hệ thầy trò trường trung học cơ sở Hà An nêu cao truyền thống yêu nước, trọng đạo, tôn sư, dạy tốt, học tốt; xây dựng nhà trường thành một cơ sở giáo dục toàn diện có chất lượng cao, là một địa chỉ đáng tin cậy và tự hào của xã hội và gia đình theo đúng mục tiêu là "Đào tạo học sinh thành những người công dân có ích của nước Việt Nam độc lập", nhằm "phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của chính các em".
Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn 2020 nhằm xác định rõ phương hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển, là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Hội đồng giáo dục và hoạt động của Ban giám hiệu cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược của trường trung học cơ sở Hà An là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới giáo dục phổ thông; cùng với các trường trung học cơ sở xây dựng ngành giáo dục Yên Hưng - Quảng ninh phát triển theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước, hội nhập với các khu vực và thế giới, góp phần thực hiện qui hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của huyện nhà giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn 2015 - 2020. Căn cứ điều kiện thực tế, nay nhà trường điều chỉnh một số nội dung trong “Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2010 - 2015” như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH NHÀ TRƯỜNG
1. Điểm mạnh
Nhà trường nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của phòng giáo dục đào tạo Quảng Yên; Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường Hà An; sự ủng hộ, giúp đỡ của các đoàn thể và Hội cha mẹ học sinh.
1.1. Đội ngũ
- Số lượng cán bộ, giáo viên, công nhân viên của nhà trường: 40 người. Trong đó: Ban giám hiệu: 2 người; Giáo viên: 33 người; Công nhân viên: 5 người. Cơ cấu chuyên môn đồng bộ, cơ cấu lứa tuổi hợp lý, cơ cấu giới tính mất cân đối.
- Trình độ chuyên môn: 100% đạt chuẩn, 52.5% trên chuẩn,
- Đội ngũ giáo viên yên tâm với nghề, gắn bó với trường, nhiệt tình trong giảng dạy, quan tâm tới học sinh và phần lớn ham học hỏi, cầu tiến bộ, có phẩm chất đạo đức tốt.
- Ban giám hiệu nhà trường đoàn kết, chân thành và tận tâm trong công việc; có năng lực chuyên môn giảng dạy và giáo dục, có kinh nghiệm trong công tác quản lí; chịu khó suy nghĩ, tìm tòi xây dựng, chỉ đạo thực hiện kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn; có khát vọng đổi mới và phát triển, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm, nhận được sự cảm thông và tin cậy của đông đảo giáo viên, cán bộ nhân viên và cha mẹ học sinh.
- Chi bộ, Công đoàn trường vững mạnh, Chi đoàn giáo viên năng động, sáng tạo. Tổng phụ trách đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh đạt danh hiệu Tổng phụ trách giỏi cấp thị xã và cấp tỉnh và được nhận bằng khen của thị Đoàn và tỉnh Đoàn.
- Đội ngũ nhân viên văn phòng, y tế, bảo vệ cần cù, chịu khó, có chuyên môn nghiệp vụ.
1.2. Số lượng, chất lượng học sinh
- Tổng số học sinh: gần 600 em.
- Tổng số lớp: 16.
- Xếp loại học lực: trên 50% học sinh toàn trường đạt khá giỏi.
- Xếp loại đạo đức: trên 96% học sinh toàn trường có hạnh kiểm khá tốt. Không có học sinh xếp loại yếu, kém.
- Học sinh có ý thức kỷ luật, nề nếp; phần lớn các em ham học, yêu trường, yêu lớp và kính trọng thầy, cô.
- Số học sinh lớp 9 đạt giải cấp Tỉnh: 13 em; đạt giải cấp thị xã: 201 em (2010 - 2015).
- Học sinh xét đỗ tốt nghiệp trung học cơ sở: 98-100%.
- Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tỉ lệ học sinh đỗ vào các trường công lập đạt kết quả tương đối cao.
1.3. Cơ sở vật chất
- Cơ sở vật chất tương đối đầy đủ bao gồm 12 phòng học, 4 phòng chức năng đảm bảo phục vụ tốt các hoạt động dạy và học của trường (2 ca). 9 phòng học có máy chiếu phục vụ cho giảng dạy của 16 lớp học.
1.4. Cha mẹ học sinh
Các bậc cha mẹ học sinh hết lòng chăm lo việc học tập rèn luyện của con cái. Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường lớp hăng hái hoạt động đóng góp có hiệu quả trong xã hội hóa giáo dục.
* Thành tích chính:
- 16 năm liên tục đạt danh hiệu "Trường tiên tiến cấp Huyện”, trong đó 3 năm đạt tiên tiến cấp tỉnh.
- Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh: 20 năm đạt "Liên đội mạnh và liên đội mạnh xuất sắc", nhận được nhiều giấy khen.
- Công Đoàn: 20 năm đạt “Công đoàn vững mạnh cấp huyện”.
2. Điểm hạn chế
- Một số ít giáo viên bảo thủ, ngại khó trong chuyên môn.
- Việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên và việc sử dụng các phương tiện dạy học mới như máy vi tính, máy chiếu... vẫn còn chưa đồng đều ở các tổ chuyên môn. Việc đánh giá chất lượng chuyên môn của giáo viên còn mang tính động viên.
- Còn một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chưa thật sự quan tâm nên kết quả học tập, rèn luyện về đạo đức bị hạn chế.
- Cơ sở vật chất: chưa có nhà tập đa năng nên giáo dục thể chất vẫn còn gặp khó khăn.
3. Thời cơ
- Nhu cầu được nâng cao chất lượng giáo dục của phụ huynh và học sinh ngày càng gia tăng, trong khi đó nhà trường đã được sự tín nhiệm của phụ huynh và học sinh nên có nhiều cơ hội để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học.
- Có đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm khá tốt, có thể kế tiếp đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm.
- Đảng, chính quyền và nhân dân luôn quan tâm đến sự phát triển của giáo dục địa phương đang mở ra nhiều cơ hội mới cho nhà trường khai thác và phát huy các nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
4. Thách thức
Trong bối cảnh hội nhập ngày nay xuất hiện những đòi hỏi mới ngày càng cao của đất nước về đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài đã tạo nên áp lực ngày càng lớn đối với nhà trường. Đồng thời là những nguy cơ về thương mại hóa giáo dục đang xuất hiện làm chệch hướng phát triển giáo dục.
Các tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên sa sút cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục.
Chất lượng của cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới của nền giáo dục hiện đại.
Để đáp ứng được nhu cầu phát triển, cán bộ, giáo viên, công nhân viên phải biết ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, có trình độ ngoại ngữ và khả năng sáng tạo.
Các trường trung học cơ sở ở khu vực và trên toàn thị xã đã và đang nâng cao chất lượng, đặc biệt là chất lượng mũi nhọn để thu hút học sinh giỏi nên bắt đầu xuất hiện sự cạnh tranh chất lượng và sự tín nhiệm.
5. Xác định các vấn đề ưu tiên
- Ưu tiên xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí có chất lượng cao; có bản lĩnh chính trị, đạo đức; vững vàng về năng lực chuyên môn phục vụ dạy học, giáo dục, quản lí nhà trường.
- Xây dựng các mối quan hệ giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội thống nhất mục tiêu chăm lo phát triển toàn diện năng lực sẵn có của học sinh, đào tạo thành trò giỏi, con ngoan, thanh thiếu niên tích cực, công dân có ích.
- Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục quản lí nhà trường theo hướng "Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực". Nâng cao chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi - giáo viên giỏi các cấp.
- Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và quản lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.
- Áp dụng các tiêu chuẩn của kiểm định chất lượng vào việc đánh giá hoạt động dạy học, giáo dục và quản lý nhà trường.
II. TẦM NHÌN, SỨ MỆNH VÀ CÁC GIÁ TRỊ
1. Tầm nhìn
Là một trong những trường trung học cơ sở có uy tín trong thị xã mà học sinh lựa chọn để học tập và rèn luyện, nơi giáo viên và học sinh luôn có khát vọng vươn tới thành tích cao trong sự phát triển và không ngừng hoàn thiện về trí tuệ và nhân phẩm.
2. Sứ mệnh
Tạo dựng được môi trường học tập và rèn luyện có dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm để mỗi học sinh có cơ hội bình đẳng trong học tập và phát triển những năng lực sẵn có của từng cá nhân.
3. Hệ thống giá trị cơ bản của nhà trường
- Từng người nêu cao tính trung thực, lòng tự trọng phẩm giá và tinh thần trách nhiệm cá nhân, nuôi dưỡng khát vọng đổi mới sáng tạo để liên tục phát triển và tự hoàn thiện.
- Tập thể sư phạm dân chủ, đoàn kết, hợp tác, sống với nhau thẳng thắn, chân tình. “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”; “Dù có khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt".
III. MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG
1. Mục tiêu
Xây dựng nhà trường có uy tín về chất lượng giáo dục toàn diện là cơ sở giáo dục hiện đại, tiên tiến thấm nhuần giá trị nhân văn, dân chủ đậm đà bản sắc dân tộc truyền thống Bạch Đằng Giang Lịch sử, phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước và thời đại.
2. Chỉ tiêu
2.1 Đội ngũ cán bộ giáo viên
- Năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên và công nhân viên được đánh giá khá giỏi, trên 80%. Thật sự là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo.
- Phổ cập ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, giáo dục, quản lí và phục vụ.
- Phấn đấu 100% tổ chuyên môn, nhóm bộ môn có giáo viên đạt trình độ Đại học, trong đó tất cả thành viên trong Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn có trình độ đại học; tỷ lệ giáo viên, có trình độ đại học đạt 60%.
2.2. Học sinh
- Quy mô
+ Số lớp học: 16 lớp.
+ Học sinh: 570 -> 580 học sinh.
- Chất lượng học tập:
+ Trên 50% HS có học lực khá, giỏi, 10% học sinh có học lực giỏi
+ Tỷ lệ HS có học lực yếu < 2% không có học sinh kém.
+ Thi đỗ vào lớp 10: 50% học sinh đỗ vào trường công lập có chất lượng cao.
+ Thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh: 4 giải trở lên.
+ Thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thị xã: 45 giải trở lên.
- Chất lượng đạo đức, kỹ năng sống.
+ Chất lượng đạo đức: 96% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt; trong đó 60% học sinh đạt hạnh kiểm tốt.
+ Học sinh được trang bị các kỹ năng sống cơ bản, tích cực tự nguyện tự tin tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, tình nguyện.
- Cơ sở vật chất:
+ Phòng học, phòng làm việc, phòng chức năng được sửa chữa nâng cấp, trang bị các thiết bị phục vụ dạy, học và làm việc đạt chuẩn.
+ Các phòng tin học được trang bị nâng cấp theo hướng hiện đại.
+ Xây dựng môi trường sư phạm "Xanh - sạch - đẹp".
3. Phương châm hành động
Giáo dục toàn diện đạt chất lượng cao là danh dự của nhà trường.
4. Chương trình hành động
4.1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục học sinh
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức và chất lượng văn hóa. Đổi mới phương pháp dạy học phương pháp giáo dục và đánh giá học sinh phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình và đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn; giúp học sinh có được những kỹ năng sống cơ bản, tích cực và tự tin.
- Người phụ trách: Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng, tổng phụ trách, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn.
4.2. Xây dựng và phát triển đội ngũ
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, có cơ cấu lứa tuổi, giới tính hợp lí có bản lĩnh nghề nghiệp; có năng lực chuyên môn khá giỏi; có trình độ Tin học, ngoại ngữ cơ bản, có phong cách sư phạm mẫu mực, đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, nêu cao danh dự, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của trường trung học cơ sở Hà An.
- Người phụ trách: Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn.
4.3. Cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục
- Xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Bảo quản và sử dụng hiệu quả, lâu dài.
- Người phụ trách: Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục; kế toán, nhân viên thiết bị.
4.4. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin
- Triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy, xây dựng kho học liệu điện tử, thư viện điện tử... Góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học. Động viên cán bộ, giáo viên, công nhân viên tích cực tự học hoặc theo học các lớp bồi dưỡng để ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công việc.
- Người phụ trách: Phó hiệu trưởng, nhóm trưởng tin học.
4.5. Huy động mọi nguồn lực xã hội vào hoạt động giáo dục
- Xây dựng nhà trường văn hóa, thực hiện tốt quy chế công khai dân chủ. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường. Phát huy mạnh mẽ vai trò, tác dụng của Đội, Đoàn trong giáo dục học sinh. Huy động các nguồn lực của xã hội tham gia vào sự nghiệp phát triển nhà trường theo đường lối của Đảng, Chính sách, Pháp luật của nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc quản lí, giáo dục học sinh.
- Nguồn lực tài chính: Ngân sách Nhà nước; Ngoài ngân sách (từ xã hội, cha mẹ học sinh).
- Nguồn lực vật chất: khuôn viên nhà trường, phòng học, phòng làm việc và các công trình phụ trợ. Trang thiết bị giảng dạy, công nghệ phục vụ dạy - học.
- Người phụ trách: Ban giám hiệu, ban chấp hành Công đoàn, Hội cha mẹ học sinh.
4.6. Giữ gìn nêu cao danh hiệu vinh dự của nhà trường trong toàn xã hội và sự tín nhiệm của xã hội đối với nhà trường
- Đẩy mạnh xã hội hóa kết hợp với dân chủ hóa các hoạt động và các quan hệ giáo dục xác lập cơ sở vững chắc cho niềm tin và tinh thần trách nhiệm gìn giữ, phát huy danh hiệu vinh dự của nhà trường đối với cán bộ giáo viên, công nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng truyền thống nhà trường, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên đối với quá trình xây dựng danh hiệu, uy tín của nhà trường.
IV. TỔ CHỨC THEO DÕI, KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC
1. Phổ biến kế hoạch chiến lược
Kế hoạch điều chỉnh chiến lược được phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ giáo viên, công nhân viên nhà trường, cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường, để kế hoạch điều chỉnh chiến lược của nhà trường trở thành kế hoạch chiến lược của từng cá nhân, tổ chức đơn vị trong nhà trường với mục tiêu chiến lược và giải pháp chiến lược phù hợp cho từng giai đoạn.
2. Tổ chức
- Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch chiến lược. Điều chỉnh kế hoạch chiến lược sau từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường.
- Lộ trình thực hiện điều chỉnh kế hoạch chiến lược: từ năm 2013 -> 2015.
- Đối với Hiệu trưởng: Tổ chức triển khai thực hiện điều chỉnh kế hoạch chiến lược tới từng cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường. Thành lập Ban kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, đề xuất những giải pháp để thực hiện.
- Đối với tổ trưởng chuyên môn: Tổ chức thực hiện điều chỉnh kế hoạch trong tổ; kiểm tra đánh giá việc thực hiện điều chỉnh kế hoạch của các thành viên. Tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp thực hiện kế hoạch.
- Đối với cá nhân cán bộ, giáo viên, công nhân viên: Căn cứ kế hoạch điều chỉnh chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo từng học kỳ, năm học. Đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.
HIỆU TRƯỞNG
Lê Thị La
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..