Tin cập nhật 

Ngành Giáo dục Quảng Yên với Giáo dục STEM

 Ngành Giáo dục Quảng Yên với Giáo dục STEM

Trong những năm gần đây, “Giáo dục STEM” đã dần đi vào trong hoạt động giáo dục của các trường học. Tuy nhiên hiểu một cách đầy đủ về Giáo dục STEM thì không phải nhà trường nào, giáo viên nào cũng quan tâm. Chúng tôi xin giới thiệu một bài viết về lĩnh vực này để các nhà trường và các thầy cô giáo tham khảo

Phần I: Những vấn đề chung về Giáo dục STEM

1. Giáo dục STEM là gì?

Trước tiên, thuật ngữ STEM là chữ viết tắt bằng tiếng Anh của bốn chữ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán).

STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.

Giáo dục STEM theo nghĩa rộng là một định hướng dạy học mang tính thực hành và gắn liền với thực tiễn cuộc sống chứ không đơn thuần là hướng dẫn cách làm những thí nghiệm vật lý, hóa học hay lắp ráp, lập trình cho một con robot cụ thể. STEM được chia thành 3 cấp độ: STEM 1.0 có thể hiểu là những giờ học theo định hướng STEM, học đi đôi với hành, có liên tưởng tới các vấn đề thực tế cuộc sống; STEM 2.0 là tiến hành một số chủ đề học liên môn; STEM 3.0 tích hợp các môn khoa học, kĩ thuật, công nghệ và toán để xây dựng những chủ đề giải quyết những vấn đề thực tế.

2. Thế mạnh của giáo dục STEM

Thứ nhất: Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng. Qua đó, học sinh vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn. Giáo dục STEM sẽ phá đi khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường làm việc có tính sáng tạo cao với những công việc đòi hỏi trí óc của thế kỷ 21. Điều này phù hợp với cách tiếp cận tích hợp trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Vì thế, tư tưởng này của giáo dục STEM cần được khai thác và đưa vào trong Chương trình GDPT mới.

Thứ hai: Giáo dục STEM đề cao đến việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học.

Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề (qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra. Các kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Thứ ba: Giáo dục STEM đề cao một phong cách học tập mới cho người học, đó là phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ phải hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị; phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp với tình huống có vấn đề mà người học đang phải giải quyết.

3. Thực trạng Giáo dục STEM ở Việt Nam

Giáo dục STEM được giới thiệu ở Việt Nam lần đầu cách đây khoảng 6 năm, ở thời điểm đó nó hướng đến thị trường cao cấp ở những thành phố lớn và cũng chỉ tập trung vào mảng robot và lập trình. Đến thời điểm này, có thể nói giáo dục STEM đã tạo ra sự bùng nổ về thị trường khi nó trở thành một từ khóa trong lĩnh vực kinh doanh giáo dục. Nhiều trung tâm ngoại ngữ, trung tâm kỹ năng sống đều mở lớp dạy STEM. Các trại hè chủ đề STEM cũng rất phổ biến. Có những công ty giáo dục đã mở một số trung tâm STEM.

Vấn đề của giáo dục STEM ở Việt Nam là chúng ta đã có STEM 3.0 ở các CLB, các chương trình ngoại khóa, trong khi chưa có STEM 1.0 ở trường.

Các CLB STEM hiện giờ chủ yếu do giáo viên định hướng và tổ chức hoạt động, học sinh về cơ bản chỉ thực hành theo hướng dẫn. Trong khi đó, một CLB STEM có nội lực đúng nghĩa phải là nơi học sinh tự vận hành được CLB, giáo viên chỉ đóng vai trò hỗ trợ khi cần thiết. Có những CLB STEM học sinh có thể lắp ráp, lập trình những robot tương đối phức tạp, nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì đó là do nỗ lực của cá nhân học sinh và gia đình học sinh bởi vậy sự xuất sắc đó không phản ánh đúng nội lực của câu lạc bộ.

Còn các ngày hội STEM lẽ ra phải là nơi trưng bày và trình diễn các sản phẩm thể hiện hoạt động trong suốt một năm của CLB STEM ở các trường nhưng thực tế nhiều đơn vị đến gần ngày hội mới lên chương trình, xây dựng sản phẩm và các thầy cô vẫn là những đạo diễn chính.

Bên cạnh đó, một số trung tâm ngoại ngữ sẵn sàng huy động giáo viên tiếng Anh sang dạy STEM với quan điểm chỉ cần lên mạng, tải tài liệu hướng dẫn về là có thể đứng lớp STEM…

Phần II: Ngành Giáo dục Quảng Yên với Giáo dục STEM

1. Tổ chức các hoạt động thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng xu hướng giáo dục STEM

Từ năm học 2014 - 2015, phòng GDĐT Quảng Yên đã có nhiều hoạt động nhằm triển khai đến các trường THCS những nội dung về lĩnh vực giáo dục còn rất mới mẻ này:

- Tổ chức các Hội nghị chuyên đề, các Hội thảo với nội dung “Dạy học tích hợp theo cách tiếp cận liên môn”, “Hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học”, “Định hướng dạy học mang tính thực hành và gắn liền với thực tiễn cuộc sống”... Việc thực hiện Chuyên đề, Hội thảo theo hướng chuyên sâu ở từng lĩnh vực được cán bộ quản lý và giáo viên các trường đồng tình và đánh giá là hướng đi tích cực, có tính thiết thực, mang hiệu quả cao trong việc bồi dưỡng chuyên môn giáo viên thực hiện STEM 1.0. Đó là những giờ học theo định hướng STEM, học đi đôi với hành, có liên hệ tới các vấn đề thực tế cuộc sống và STEM 2.0 là tiến hành một số chủ đề học liên môn.

- Tổ chức cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn và cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp. Cuộc thi này được Phòng GD quan tâm chỉ đạo thực hiện bắt đầu từ năm học 2014-2015. Qua 04 năm thực hiện mặc dù có nội dung, hình thức khó và mới, song Cuộc thi đã đạt được kết quả cao, đáp ứng được mục đích và yêu cầu của xu hướng giáo dục STEM 2.0 đó là: Khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức của các môn học khác nhau để giải quyết các tình huống thực tiễn; tăng cường khả năng vận dụng tổng hợp, khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh; thúc đẩy việc gắn kiến thức lý thuyết và thực hành trong nhà trường với thực tiễn đời sống; đẩy mạnh thực tiễn dạy học theo phương châm "học đi đôi với hành"; góp phần đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; thúc đẩy sự tham gia của gia đình, cộng đồng vào công tác giáo dục; khuyến khích giáo viên sáng tạo, thực hiện dạy học theo chủ đề, chủ điểm có nội dung liên quan đến nhiều môn học và gắn liền với thực tiễn, góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học (STEM 2.0 là tiến hành một số chủ đề học liên môn)

- Tổ chức Cuộc thi Khoa học, kĩ thuật cấp trung học. Đây là Cuộc thi được tổ chức qui mô, bài bản từ cấp trường đến cấp thị xã và cũng là Cuộc thi mang lại nhiều thành tích cho Phòng Giáo dục và Đào tạo Quảng Yên ở cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Cuộc thi đã đáp ứng được mục tiêu đề ra và hiện thực hoá xu hướng giáo dục STEM 3.0 đó là: Khuyến khích học sinh THCS nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, đẩy mạnh thực hiện dạy học theo phương châm "học đi đôi với hành"; góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, phát triển năng lực học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học; phát triển năng lực học sinh; khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân, các thầy cô giáo hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học; tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.

- Tổ chức các hoạt động Trải nghiệm cho HS. Từ năm học 2016 – 2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quảng Yên đã chỉ đạo các trường tăng cường tổ chức các hoạt động Trải nghiệm cho HS, đồng thời tổ chức các hoạt động Trải nghiệm cấp thị xã cho HS các cấp học. Qua các hoạt động trải nghiệm đã hiện thực xu hướng giáo dục STEM 3.0 giúp học sinh tích luỹ thêm những kiến thức về thực tế; tăng cường các hoạt động vui chơi bổ ích gắn với tuổi học trò qua đó giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; khuyến khích học sinh phát huy khả năng thực hành, tích cực trong các hoạt động tập thể.

2. Tiếp tục thực hiện Giáo dục STEM năm học 2018-2019 trong các nhà trường trên địa bàn thị xã .

Ngày 10 tháng 08 năm 2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quảng Yên đã tổ chức lớp tập huấn “Giáo dục STEM ” cho các trường THCS trên địa bàn thị xã. Đây là lần đầu tiên trong năm học, phòng GDĐT Quảng Yên tổ chức tập huấn về giáo dục STEM.

Tại lớp tập huấn, cán bộ, giáo viên được tiếp cận với giáo dục STEM ở cấp độ cao hơn về phương pháp nghiên cứu khoa học trong dạy học định hướng STEM; dạy học dự án và phương pháp nghiên cứu; thực hành xây dựng một đề cương dự án nghiên cứu cho học sinh phổ thông; quy trình thiết kế kĩ thuật trong dạy học STEM và quy trình thiết kế sản phẩm. Từ quy trình thiết kế bài dạy STEM, đội ngũ giáo viên sẽ thực hành xây dựng giáo án cho một dự án dạy học theo định hướng STEM… Lớp tập huấn đã trang bị được những kiến thức, kỹ năng về dạy học STEM nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

3. Đề xuất

Trước hết cần phải có những thay đổi về chính sách, chế độ đãi ngộ, tiêu chuẩn hóa giáo viên để thúc đẩy việc đổi mới giáo dục, trong đó có Giáo dục STEM.

Nên đưa nội dung Giáo dục STEM vào các cuộc thi giáo viên giỏi, khuyến khích mỗi trường học phải có ít nhất một CLB STEM...

Hy vọng rằng với sự tâm huyết, tiên phong, quyết tâm trong chỉ đạo của lãnh đạo Phòng GD&ĐT; tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo, giáo viên các nhà trường; sự thông minh, sáng tạo của các em học sinh, lĩnh vực giáo dục STEM của Quảng Yên sẽ còn gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới./.

Thực hiện: Lê Văn Hữu

Tin mới nhất 
  • Baner cuoc thi (20/12/2024)
  • CHUYÊN ĐỀ CẤP TRƯỜNG (30/11/2024)
    “ĐỔI MỚI HÌNH THỨC TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI KHUÔN VIÊN NHÀ TRƯỜNG” HỌC KỲ I NĂM HỌC 2024-2025
  • TƯNG BỪNG CÁC HOẠT ĐỘNG KỈ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982-20/11/2024) (21/11/2024)
    Trong kí ức mỗi người, hình ảnh người thầy luôn đọng lại những ấn tượng thật thiêng liêng. Nhà thơ Đinh Văn Nhã từng viết: “Có một nghề bụi phấn bám đầy tay Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất Có một nghề không trồng cây vào đất Mà mang lại cho đời đầy trái ngọt hoa tươi!”
  • BẢN TIN CHUYÊN MÔN (14/11/2024)
    Sáng ngày 14 tháng 11, hưởng ứng đợt thi đua cao điểm chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11; Thị xã tổ chức chuyên đề “ Bồi dưỡng nâng cao chất lượng học sinh giỏi môn tin học cấp THCS” tại trường THCS Tiền An, trường THCS Minh Thành tham gia tích cực chuyên đề với 01 tiết dạy thử nghiệm và 01 báo cáo thực hiện chuyên đề do cô Tô Thị Ánh và Trịnh Thị Thu Hằng thể hiện.
  • BẢN TIN CHUYÊN MÔN (12/10/2024)
    Chiều ngày 11 tháng 10 năm 2024, tổ KHTN - trường THCS Minh Thành tổ chức chuyên đề cấp tổ trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch KHGD của nhà trường- kế hoạch số 119/KH-THCS Minh Thành; kế hoạch số 124/KH- CM THCS của chuyên môn và kế hoạch số 08-KH/TCM của tổ chuyên môn với mục đích bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ với nội dung: “ Vận dụng hiệu quả các PPDH tích cực kết hợp chuyển đổi số trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học các môn trong chương trình GDPT 2018.
  • DẠY HỌC TẠI THƯ VIỆN. (12/10/2024)
    Thực hiện nhiệm vụ năm học và nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ, giáo viên THCS năm học 2024-2025, tổ khoa học xã hội trường THCS Minh Thành tổ chức chuyên đề cấp tổ với nội dung “Phương pháp dạy học thực hành tại thư viện để nâng cao chất lượng bộ môn”.
  • LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2024-2025 (05/09/2024)
    Hoà chung không khí tưng bừng của “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”, hàng triệu giáo viên, học sinh, sinh viên trên cả nước lại cùng nhau bước vào cuộc hành trình khám phá tri thức mới! Sáng ngày 5/9/2024, trường THCS Minh Thành đã long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2024-2025!
  • THÔNG BÁO về việc chi trả tiền hỗ trợ chênh lệch học phí Năm học 2023-2024 (26/07/2024)
    Căn cứ Quyết định số 2756/QĐ-UBND ngày 21/5/2024 của Uỷ ban nhân dân thị xã Quảng Yên về việc phê duyệt danh sách hỗ trợ chênh lệch học phí năm học 2023-2024 so với năm học 2021-2022 theo quy định tại NĐ 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ đối với các trường Mầm non, Trung học cơ sở, Tiểu học và Trung học cơ sở công lập trên địa bàn thị xã; Căn cứ Quyết định số 2866/QĐ-UBND ngày 24/5/2024 của Uỷ ban nhân dân thị xã Quảng Yên về việc phê duyệt dự toán và cấp kinh phí hỗ trợ chênh lệch học phí năm học 2023-2024 so với năm học 2021-2022 theo quy định tại NĐ 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ; Căn cứ Quyết định số 308/QĐ-PGD ĐT ngày 14/6/2024 của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Quảng Yên về việc phân bổ kinh phí hỗ trợ chênh lệch học phí năm học 2023-2024 so với năm học 2021-2022 theo quy định tại NĐ 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ;
  • KẾ HOẠCH TUYỂN SINH VÀO LỚP 6 NĂM HỌC 2024-2025 (29/05/2024)
    Quyết định số 2906/QĐ-UBND ngày 24/5/2024 của Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên về phân vùng tuyển sinh lớp 1, lớp 6 năm học 2024-2025; Căn cứ kế hoạch số 601/KH-PGDĐT ngày 28/5/2025 của Phòng giáo dục và đào tạo về Kế hoạch tuyển sinh lớp 6 năm học 2024-2025, trường THCS Minh Thành xây dựng kế hoạch Tuyển sinh lớp 6 năm học 2024 - 2025 như sau: