Tin tức 

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra năm học 2013-2014

 Kính gửi: - Các Phòng Giáo dục và Đào tạo,

- Các Trung tâm HN&GDTX,

- Các Trường trung học phổ thông. Phổ thông Dân tộc nội trú.

Căn cứ Công văn số 5703/BGDĐT-TTr ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo V/v hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra năm học 2013-2014; Công văn số 695/TTr ngày 29/11/2012 của Thanh tra Tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2013 – 2014 như sau:

A. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục và các văn bản pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

2. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục các cấp.

3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành ở các cấp học, chú trọng thanh tra các cơ sở giáo dục có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; thanh tra đối với hoạt động giáo dục chuyên nghiệp theo phân cấp tại Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tự kiểm tra.

4. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

5. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động thanh tra đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.

B. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Nhiệm vụ Thanh tra

1. Công tác kiện toàn tổ chức thanh tra

a) Rà soát, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Sở GD&ĐT theo Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục và các quy định hiện hành;

b) Phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt biên chế công chức Thanh tra Sở đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013; đề nghị bổ nhiệm thanh tra viên theo quy định;

c) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục; xây dựng mạng lưới cộng tác viên thanh tra giáo dục đủ số lượng và chất lượng, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thanh tra.

2. Hoạt động thanh tra

2.1. Thanh tra hành chính

Thực hiện thanh tra hành chính theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 42/2013/NĐ-CP và hướng dẫn của Thanh tra tỉnh.

2.2. Thanh tra chuyên ngành

- Tiếp tục thực hiện Thông tư số 43/2006/TT-BGDĐT ngày 20/10/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thanh tra toàn diện nhà trường, cơ sở giáo dục khác và thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo, Công văn số 1858/ SGD&ĐT-TTr ngày 16/9/2009, Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục và giáo viên từ năm học 2009-2010, Công văn số 1835/SGD&ĐT-TTr ngày 11/9/2009, Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra toàn diện trường mầm non và thanh tra hoạt động sư phạm của giáo viên mầm non.

- Thực hiện nội dung thanh tra chuyên ngành quy định tại Điều 14 Nghị định số 42/2013/NĐ-CP.

a) Đối với Giáo dục mầm non

Thanh tra hoạt động sư phạm nhà giáo; việc thành lập cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; việc thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015; việc thực hiện các quy định về điều kiện cần thiết đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khoẻ, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; việc quản lý, sử dụng thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em; quy định về tuyển sinh, thu, chi học phí và lệ phí tuyển sinh, các khoản đóng góp của học sinh và cha, mẹ học sinh; việc đánh giá theo chuẩn đối với giáo viên, hiệu trưởng.

b) Đối với Giáo dục phổ thông

Thanh tra hoạt động sư phạm nhà giáo; việc thực hiện nội dung giáo dục linh hoạt, phù hợp với đối tượng, thực tế địa phương theo hướng dẫn của Bộ; việc triển khai Đề án Tiếng Anh trong giáo dục phổ thông; việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; dạy học có yếu tố nước ngoài; việc quản lý, sử dụng thiết bị dạy học; quy định về tuyển sinh, quản lý dạy thêm, học thêm, thu, chi học phí và lệ phí tuyển sinh, các khoản đóng góp của học sinh và cha, mẹ học sinh; việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện việc đánh giá theo chuẩn đối với giáo viên, hiệu trưởng.

c) Đối với Giáo dục thường xuyên

Thanh tra việc thành lập cơ sở tin học, ngoại ngữ và việc thực hiện các chương trình, nội dung, cấp phát văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; việc thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên; đánh giá theo chuẩn giám đốc trung tâm, chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

d) Đối với Giáo dục chuyên nghiệp

Thanh tra việc thực hiện mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo, liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài; việc thực hiện quy định công khai chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; việc thực hiện quy định về chỉ tiêu tuyển sinh.

e) Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo

- Thanh tra công tác tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện (thành phố, thị xã) về quy mô phát triển giáo dục, quy hoạch mạng lưới trường lớp ở địa phương; thành lập, giải thể đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc thẩm quyền; bảo đảm đủ biên chế công chức, viên chức sự nghiệp, cân đối về chuyên môn đào tạo; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Nhà nước, ban hành các chủ trương, biện pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý; bảo đảm các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục;

- Thanh tra công tác triển khai, tổ chức thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch, chuyên môn, nghiệp vụ, các hoạt động giáo dục, phổ cập giáo dục; công tác tuyển sinh, thi cử, xét duyệt, cấp văn bằng, kiểm định chất lượng giáo dục, dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình đối với lớp 1; thu, chi học phí và lệ phí tuyển sinh, các khoản đóng góp của học sinh và cha, mẹ học sinh; đánh giá chuẩn giáo viên, hiệu trưởng; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý;

- Thanh tra công tác phối hợp với Thanh tra huyện tham mưu cho UBND huyện về công tác thanh tra trong lĩnh vực giáo dục; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục khi được UBND huyện giao; thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Thanh tra công tác kiểm tra của phòng GD&ĐT.

3. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng

a) Tập trung rà soát, phân loại các vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền, giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, kiên quyết xử lý người lợi dụng dân chủ để vu khống và khiếu nại, tố cáo trái quy định của pháp luật, không để tình trạng khiếu nại vượt cấp, đông người. Các vụ việc không thuộc thẩm quyền phải hướng dẫn cụ thể để công dân thực hiện khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan có thẩm quyền. Các vụ việc đã có quyết định giải quyết nhưng công dân không đồng ý và tiếp tục khiếu kiện, cần thận trọng xem xét, xác minh; nếu vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật, có văn bản trả lời công dân theo quy định.

b) Các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục bố trí địa điểm tiếp công dân, công khai lịch, nội quy tiếp công dân; phải có sổ theo dõi tiếp công dân và thực hiện đúng quy trình tiếp công dân theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2011/TT-TCTP ngày 28/7/2011 của Thanh tra Chính phủ.

c) Thực hiện phòng, chống tham nhũng qua việc tổ chức thực hiện kê khai, xử lý thông tin về thu nhập và tài sản cá nhân trong đơn vị; chi trả nguồn thu cá nhân qua thẻ ATM; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện quy chế dân chủ; thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng kế hoạch, kết quả công tác, thu nhập, tăng lương, đi học, khen thưởng và các quyền lợi khác.

d) Triển khai việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 - 2014 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

II. Nhiệm vụ tự kiểm tra của các cơ sở giáo dục

1. Ban kiểm tra

Đầu năm học các cơ sở giáo dục thành lập ban kiểm tra, giúp thủ trưởng thực hiện công tác tự kiểm tra nội bộ. Ban kiểm tra gồm : Trưởng ban là thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng, phó trưởng ban và các uỷ viên là cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực chuyên môn, có uy tín trong đơn vị.

2. Hoạt động kiểm tra

Căn cứ theo nhiệm vụ năm học, thủ trưởng cơ sở giáo dục có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân trong đơn vị về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Thủ trưởng cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra nội bộ trong năm học cần tập trung vào những nội dung chính sau đây:

- Thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục.

- Kiểm tra hoạt động sư phạm của giáo viên.

- Kiểm tra hoạt động sư phạm của tổ, nhóm chuyên môn.

- Kiểm tra sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất – thiết bị dạy học.

- Kiểm tra tài chính.

- Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN.

Đối với hoạt động sư phạm của giáo viên, mỗi năm học thủ trưởng cơ sở giáo dục phải kiểm tra 100% số giáo viên trong đơn vị.

Hồ sơ kiểm tra của cơ sở giáo dục gồm: Quyết định thành lập ban kiểm tra, kế hoạch kiểm tra trong năm học, kế hoạch các cuộc kiểm tra, các biên bản kiểm tra.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thanh tra Sở xây dựng Kế hoạch thanh tra năm học trình Giám đốc Sở phê duyệt; chủ động phối hợp, triển khai công tác thanh tra theo quy định của pháp luật; thực hiện thanh tra hành chính đạt khoảng 30% đơn vị trực thuộc. Thanh tra chuyên ngành phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo thanh tra các cấp học, các loại hình đào tạo; giúp Giám đốc Sở GD&ĐT tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; tham mưu với Giám đốc Sở GD&ĐT đảm bảo kinh phí cho hoạt động thanh tra của Sở và thực hiện chế độ đối với cộng tác viên thanh tra giáo dục theo quy định tại Thông tư số 54/2012/TT-BGDĐT ngày 21/12/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; tham mưu Giám đốc Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác thanh tra.

2. Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Thanh tra huyện tham mưu Chủ tịch UBND huyện về nội dung thanh tra hành chính các cơ sở giáo dục trực thuộc. Tổ chức hoạt động kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc.

3. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch kiểm tra năm học, tổ chức hoạt động kiểm tra theo kế hoạch.

4. Chế độ báo cáo

a) Báo cáo định kỳ: Báo cáo sơ kết công tác kiểm tra học kỳ I trước ngày 05/01/2014; báo cáo tổng kết công tác kiểm tra năm học trước ngày 05/6/2014; báo cáo việc thực hiện kết luận các cuộc thanh tra theo quy định.

b) Báo cáo đột xuất khi được yêu cầu và khi có vụ việc xảy ra (kể cả khi đã giải quyết).

Mọi phản ánh, báo cáo về Sở GD&ĐT qua Thanh tra Sở. Điện thoại: 033 3826527; Email: thanh tra.soquangninh@moet.edu.vn

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra năm học 2013-2014