Tin tức THCS 

Hướng dẫn dạy học môn Giáo dục công dân cấp THCS và THPT từ năm học 2013- 2014

 Kính gửi:

- Các phòng Giáo dục và Đào tạo;

- Các trường Phổ thông Dân tộc nội trú;

- Các trường Trung học phổ thông.

I. YÊU CẦU CHUNG

Thực hiện theo chỉ đạo tại công văn số 2135/SGD&ĐT-GDTrH ngày 26/7/2011 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc hướng dẫn thực hiện hệ thống hồ sơ trong Trường trung học từ năm học 2011-2012; Công văn số 2418/SGD&ĐT- GDTrH ngày 21/8/2013 của Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục Trung học năm học 2013-2014 và các nội dung chuyên môn đã được Sở GD&ĐT tập huấn.

II. MỘT SỐ YÊU CẦU CỤ THỂ

1. Thực hiện phân phối chương trình

Các trường Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT) chủ động xây dựng phân phối chương trình chi tiết môn Giáo dục công dân (GDCD) phù hợp với địa phương, phù hợp với trường trên cơ sở Chương trình môn GDCD toàn cấp học do Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 và được điều chỉnh nội dung dạy học tại công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 01/9/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Phân phối chương trình môn GDCD do Sở GD&ĐT biên soạn năm 2011 theo tinh thần chỉ đạo tại công văn số 2391/SGD&ĐT- GDTrH ngày 24/8/2012.

Chương trình môn GDCD có 35 tiết được thực hiện trong 37 tuần của năm học, do đó sẽ có 35 tuần học một tiết GDCD/tuần và 2 tuần dự trữ có thể dạy bù hoặc bố trí cho phù hợp với tình hình thực tế từng trường. Thực hiện chương trình theo thứ tự các bài đã có trong phân phối chương trình nhưng phải căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng.

2. Đổi mới phương pháp dạy - học

- Giáo viên cần bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng để soạn bài, giảng dạy và ra đề kiểm tra đánh giá học sinh. Cần đặc biệt lưu ý đến yêu cầu giảm tải theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT;

- Trong dạy học môn GDCD cần kết hợp linh hoạt giữa các phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp hiện đại nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học; hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh; coi trọng giáo dục kỹ năng sống góp phần trực tiếp hình thành nhân cách, thái độ, hành vi đúng mực cho học sinh, kiên quyết loại bỏ cách dạy thầy đọc, trò chép;

- Sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học trong danh mục đã qui định. Ngoài ra giáo viên và học sinh cần tăng cường làm thêm các đồ dùng dạy học phù hợp với nội dung học tập.

3. Phương pháp dạy học tích hợp

- Yêu cầu triển khai thực hiện đầy đủ việc tích hợp nội dung Giáo dục kỹ năng sống, tích hợp tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên, giáo dục môi trường, giáo dục về an toàn giao thông, phổ biến giáo dục pháp luật… theo theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

- Học kì II năm học 2013-2014, khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn về việc thực hiện tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy, thực hiện các chương trình ngoại khoá, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, sinh hoạt chính trị đầu năm, xây dựng chuyên mục giáo dục về phòng, chống tham nhũng trên trang thông tin điện tử của trường…

- Yêu cầu chung về tích hợp là chuyển tải các nội dung tích hợp vào bài học một cách tự nhiên, phù hợp, có chọn lọc làm cho bài học thêm sinh động, gắn với thực tế, không làm quá tải bài học song vẫn giữ được đặc trưng môn học.

4. Về bài soạn

- Về hình thức trình bày bài soạn (giáo án), trên cơ sở khung bài soạn quy định trong công văn số 2135/SGD&ĐT-GDTrH ngày 26/7/2011 nêu trên của Sở GD&ĐT, giáo viên cần tham khảo các bài soạn đã được Bộ GD&ĐT giới thiệu trong sách giáo viên, tài liệu bồi dưỡng giáo viên và các tài liệu tham khảo khác để có cách trình bày sáng tạo (không cứng nhắc về hình thức trình bài soạn), phù hợp với từng kiểu bài dạy, theo yêu cầu của chuẩn kiến thức- kĩ năng, thể hiện được việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đặc thù môn GDCD;

- Đối với các bài dạy có từ 02 tiết trở lên giáo viên có thể ghi chung các phần Mục tiêu cần đạt, Công tác chuẩn bị, Phương pháp dạy học vào phần đầu của bài soạn. Phần tiến trình bài dạy phải ghi rõ Tiết 1, Tiết 2… vào đầu mỗi tiết;

- Giáo viên cần bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng để soạn, giảng. Nếu gặp tình huống có các cách hiểu khác nhau về một chủ đề, nội dung nào đó giữa sách giáo khoa và sách giáo viên và tài liệu chuẩn kiến thức kỹ năng thì giáo viên căn cứ vào sách giáo khoa để dạy.

- Đối với các tiết dạy thực hành và ngoại khoá yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ số tiết thực hành và ngoại khoá của cả năm học. Ngay từ đầu năm học các tổ (nhóm) chuyên môn cần xây dựng và lựa chọn nội dung, phương pháp các bài dạy thực hành và ngoại khoá cho phù hợp với mỗi khối lớp và tình hình thực tế tại đơn vị.

5. Sử dụng thiết bị và phương tiện dạy học, ứng dụng CNTT

- Tận dụng triệt để thiết bị đã có của nhà trường như hệ thống tranh ảnh, tủ sách giáo dục pháp luật, máy chiếu, băng hình... trong hoạt động dạy học, đồng thời khuyến khích việc tự làm thiết bị và đồ dùng dạy học của giáo viên.

- Khi ứng dụng CNTT, giáo viên phải chủ động, tích cực, sáng tạo trong thiết kế bài giảng để hình thành được cách dạy khoa học, phù hợp với từng bước lên lớp, nhằm đảm bảo yêu cầu về giờ dạy, trong 45 phút phải đủ các bước lên lớp, đủ kiến thức cơ bản, nổi rõ trọng tâm...để thể hiện đúng đặc trưng cơ bản của phương pháp dạy học mới: tích cực và tích hợp.

- Việc sử dụng trình chiếu ở mức độ nhất định sao cho học sinh nắm được nội dung của bài học, ghi chép được những kiến thức cơ bản để về nhà có thể học được bài cũ (tránh tình trạng giáo viên đưa nội dung kiến thức lên trình chiếu rồi tắt đi quá nhanh khiến học sinh không kịp lĩnh hội hết vấn đề, lạm dụng trình chiếu khiến giờ học thụ động: xem-chép). Việc trình chiếu chỉ là hỗ trợ như là bảng phụ, nội dung bài học cần được trình bày hệ thống, đầy đủ trên bảng đen.

- Phát huy tối đa tác dụng của bài tập hay vấn đề đưa lên trình chiếu, chú ý khai thác, phục vụ cho nhiều khía cạnh của bài học: các kênh hình, kênh tiếng khác như tranh ảnh, video, flash ...cần được giáo viên cân nhắc lựa chọn và sử dụng có hiệu quả; tránh lạm dụng các hiệu ứng cầu kì, các kiểu chữ, phông nền, màu, hình động…không hợp lí, làm phân tán sự chú ý của học sinh trong việc lĩnh hội kiến thức.

- Tổ bộ môn cần thảo luận lựa chọn bài dạy có ứng dụng CNTT, tránh hiện tượng quá lạm dụng và mang tính hình thức.

6. Tăng cường đổi mới kiểm tra đánh giá

Việc kiểm tra đánh giá trong môn GDCD cần thực hiện theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2012 của Bộ GD&ĐT về ban hành quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS và THPT

6.1. Kiểm tra bằng cho điểm kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức kĩ năng và thái độ đối với từng chủ đề

- Đổi mới kiểm tra đánh giá thực hiện theo hướng dẫn của của Bộ GD&ĐT. Khi ra đề kiểm tra cần phải bám sát tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng. Không ra đề kiểm tra, đánh giá vào những nội dung đã giảm tải, những bài hoạt động ngoại khóa.

- Cần hạn chế yêu cầu kiểm tra theo kiểu ghi nhớ, tái hiện kiến thức; tăng cường yêu cầu vận dụng kiến thức theo hướng ra đề “mở” để học sinh liên hệ, phân tích biểu đạt chính kiến của mình và định hướng hành vi.

- Kiểm tra đánh giá không đơn thuần chỉ qua bài viết, bài học của học sinh với yêu cầu về kiến thức, kỹ năng mà còn thông qua tinh thần tự giác, trung thực tham gia các hoạt động học tập, thái độ đối với mọi người; thông qua tiến bộ đạt được trong ý thức công dân, sự chuyển biến về thái độ và hành vi…

- Khi soạn bài kiểm tra đánh giá (đề kiểm tra 45 phút và kiểm tra học kì) phải có ma trận đề, đề kiểm tra, đáp án, biểu điểm.

Đề kiểm tra có 3 hình thức: Đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan (có thể sử dụng trong bài kiểm tra 15 phút). Đề kiểm tra tự luận ( kiểm tra 1 tiết và kiểm tra học kì). Đề kiểm tra kết hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan (có thể sử dụng trong bài kiểm tra 1 tiết, không sử dụng trong bài kiểm tra học kì).

Phải đảm bảo thực hiện đúng, đủ số lượng các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết và kiểm tra học kì như trong PPCT.

- Đề kiểm tra đánh giá phải bao gồm các cấp độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng (gồm có vận dụng ở cấp độ thấp và vận dụng ở cấp độ cao). Việc phân phối điểm cho mỗi mức độ nhận thức phù hợp với mỗi vùng miền, đối tượng học sinh. Thống nhất cấp độ nhận biết và thông hiểu chiếm 50 đến 60%, vận dụng từ 40 đến 50% tổng số điểm của bài kiểm tra đánh giá. Số lượng câu hỏi của từng mức độ phụ thuộc vào mức độ quan trọng của mỗi chuẩn cần đánh giá.

6.2. Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh theo nội dung môn GDCD

Giáo viên dạy môn GDCD căn cứ vào biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh đối với nội dung dạy học môn GDCD để nhận xét sự tiến bộ trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh lớp mình phụ trách, theo nội dung bộ môn GDCD quy định trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành trong mỗi học kì, cả năm học.

- Đối với những khối lớp đã có học bạ mới, môn GDCD đã có chỗ ghi kết quả nhận xét thì giáo viên chỉ ghi nhận xét đối với những học sinh:

+ Học tập xuất sắc bộ môn

+ Học sinh có tiến bộ và học sinh chưa có sự tiến bộ học tập bộ môn

- Đối với những khối còn sử dụng học bạ cũ chưa có chỗ ghi nhận xét về môn GDCD thì giáo viên dạy môn GDCD kết hợp với giáo viên chủ nhiệm để thống nhất ghi kết quả nhận xét sau mỗi học kì và cuối năm học ở phần nhận xét của giáo viên chủ nhiệm trong học bạ.

7. Đổi mới về sinh hoạt chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên

- Phải khắc phục việc sinh hoạt tổ chuyên môn mang nặng tính hình thức, chỉ chủ yếu thông tin những nội dung hành chính sự vụ. Cần luôn cải tiến nội dung và cách thức sinh hoạt tổ theo hướng dành phần lớn thời gian của buổi sinh hoạt tổ (nhóm) chuyên môn để tiến hành các nội dung chuyên sâu như¬: rút kinh nghiệm các giờ dạy thao giảng, thảo luận các chuyên đề về kiến thức và ph¬ương pháp giảng dạy các bài khó, phần khó, các bài dài; thống nhất cách ra đề kiểm tra đánh giá, thống nhất nội dung và cách thức thức thực hiện các bài thực hành, ngoại khoá, thống nhất xây dựng các địa chỉ, nội dung tích hợp vào mỗi đơn vị kiến thức và bài dạy cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi đơn vị.

- Tổ chuyên môn cần làm tốt công tác quản lý và tổ chức thực hiện bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên.

Nhận được Công văn này, Sở GD&ĐT Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện./.

KT.GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

(đã ký)

Ngô Văn Hợi