HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON CẤP THỊ XÃ, NĂM HỌC 2024-2025
HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON CẤP THỊ XÃ, NĂM HỌC 2024-2025
Nhằm phát hiện, công nhận và tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp mầm non; tạo cơ hội để giáo viên thể hiện năng lực bản thân, học tập, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ; góp phần thu hút sự quan tâm của xã hội trong việc tham gia giáo dục trẻ em, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của địa phương, sáng ngày 23/11/2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Quảng Yên đã long trọng tổ chức Khai mạc “Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non cấp thị xã, năm học 2024-2025”. Hội thi là hoạt động chuyên môn nổi bật, giúp nâng cao hiệu quả công tác sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua trong các trường mầm non, khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên mầm non tự học, rèn luyện, sáng tạo, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm hay trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, nhằm thực hiện đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
Hội thi năm nay có sự tham gia của 212 giáo viên của 21 trường mầm non trong. Đây chính là những cô giáo ưu tú đại diện cho hơn 600 giáo viên mầm non trên toàn thị xã. Tham gia Hội thi các thí sinh trải qua 2 nội dung thi gồm: Thi thực hành tổ chức một hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục mầm non theo kế hoạch giáo dục của nhà trường tại thời điểm diễn ra Hội thi và trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em của cá nhân tại đơn vị công tác. Qua hơn 20 ngày đồng hành cùng các cô giáo, Ban tổ chức ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các cô gáio trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, sự tâm huyết trong việc giáo dục, rèn giũa trẻ. Nhiều hoạt động giáo dục và biện pháp của giáo viên được Ban giám khảo đánh giá có chất lượng, đạt hiệu quả, đáp ứng được thực tiễn đổi mới giáo dục mầm non, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình GDMN. Một số hoạt động giáo dục và biện pháp của giáo viên dự thi được đánh giá thực sự cần thiết, phải phổ biến, chia sẻ đến đồng nghiệp ngay sau khi hội thi kết thúc. Từng nội dung thi được Ban tổ chức đánh giá như sau:
- Nội dung thi trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non nơi giáo viên đang làm việc. Nội dung này được ban giám khảo đánh giá đã đạt được mục đích yêu cầu đề ra, nội dung giải pháp nâng cao chất lượng đã thể hiện được quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ từ thực tiễn của giáo viên, đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học và giáo dục, phù hợp với đối tượng trẻ và thực tiễn nhà trường; biện pháp có minh chứng về sự tiến bộ của trẻ em khi áp dụng tại nhóm/lớp và mang lại hiệu quả cao. Giáo viên có kỹ năng trình bày, thuyết trình tốt: diễn đạt lưu loát, mạch lạc, tự tin, đặc biệt có giáo viên đã sử dụng sản phẩm thực tế đạt trên trẻ để thuyết trình thuyết phục người nghe, làm nổi bật thêm phần trình bày. Điển hình là Biện pháp rèn kỹ năng xếp tương ứng 1-1 cho trẻ 3 -4 tuổi của cô giáo Dương Thị Huệ, giáo viên Trường Mầm non Cẩm La. Một số biện pháp thể hiện sự sáng tạo trong việc khai thác và sử dụng đồ chơi, những nguyên vật liệu mở một cách hiệu quả nhất như biện pháp "Tận dụng vỏ ngao, vỏ ốc làm đồ dùng, đồ chơi sử dụng vào các hoạt động cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi" của cô giáo Lăng Thị Bích Hiền, giáo viên Trường Mầm non Minh Thành. Một số giáo viên đã mạnh dạn nghiên cứu những biện pháp mới trong việc tạo môi trường lớp học hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm như “Biện pháp xây dựng lớp học hạnh phúc” của cô giáo Dương Thị Hiên, trường Mầm non Hoa Hồng. Bên cạnh những biện pháp góp phần nâng cao chất lượng dạy học, giáo viên cũng đã quan tâm tới việc rèn nè nếp, kỹ năng sống cho trẻ như “Biện pháp tổ chức giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi” của cô giáo Đỗ Thị Thiện, Trường Mầm non Cộng Hòa; Biện pháp giúp trẻ sớm thích nghi với nề nếp ban đầu tại nhóm trẻ 25-36 tháng tuổi của cô giáo Bùi Thị Thu Yên, trường Mầm non Hoàng Tân.
- Nội dung thi thực hành tổ chức 1 hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục mầm non theo kế hoạch giáo dục của nhà trường tại thời điểm diễn ra Hội thi từ ngày 02 đến hết ngày 20/12/2024 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thị xã. Nội dung này các đơn vị tham gia thực hiện đúng thể lệ hội thi, đa số giáo viên dự thi có tinh thần cầu tiến; nghiêm túc, chịu khó đầu tư cho các nội dung dự thi; có cập nhật quan điểm đổi mới, kết hợp nhiều phương pháp, hình thức dạy học khi thực hiện hoạt động dạy, có nhiều hoạt động dạy đổi mới, nổi trội, sáng tạo và đạt chất lượng cao, cụ thể:
+ Về công tác chuẩn bị: Hầu hết các hoạt động giáo dục đều được giáo viên dự thi chuẩn bị khá công phu và chu đáo cả về cơ sở vật chất cũng như nội dung dạy, thể hiện được tính mới, sáng tạo, thiết thực về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Có thể nói, việc chuẩn bị tốt các điều kiện góp phần không nhỏ tạo nên thành công của mỗi tiết dạy.
+ Về tổ chức giờ học: Hầu hết giáo viên tổ chức các hoạt động dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với chủ đề, với độ tuổi và thể hiện được tính đổi mới, sáng tạo. Nhiều tiết dạy được tổ chức dưới dạng trò chơi, chương trình, hội thi, sân khấu hoá thu hút trẻ tham gia như hoạt động âm nhạc của cô Nguyễn Thị Hằng trường mầm non Phong Hải. Hiểu rõ đặc trưng của bộ môn âm nhạc và đặc điểm của trẻ mầm non là yêu thích cái đẹp, cái mới, cô đã trang trí sân khấu cho trẻ biểu diễn hấp dẫn, trang phục của cô và trẻ phù hợp với chủ đề đồng thời vận dụng tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc theo hướng tiếp cận đa văn hóa giúp trẻ hứng thú tham gia biểu diễn cùng cô....
- Về phương pháp và hình thức tổ chức: Hầu hết các tiết dạy đều đảm bảo đúng theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tất cả trẻ đều được tham gia và làm chủ các hoạt động. Một số hoạt động được giáo viên tổ chức dưới hình thức trải nghiệm bổ ích như hoạt động “Bé làm chú bộ đội” của cô giáo Vũ Thị Oanh, trường mầm non Phông Cốc, hoạt động dạy hát “Chú bộ đội” của cô giáo Hoàng Thị Phượng, trường mầm non Liên Hòa.
- Về tác phong sư phạm của giáo viên: Hầu hết giáo viên đều linh hoạt, chủ động và sáng tạo trong các hoạt động. Giáo viên luôn gần gũi, quan tâm, bao quát trẻ, sửa sai, uốn nắn kịp thời trong quá trình trẻ hoạt động và chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết, hạn chế tình trạng cô làm hộ trẻ. Qua hoạt động thực hành giáo dục, giáo viên khẳng định được năng lực chuyên môn của mình cũng như nét đặc trưng của người giáo viên mầm non, điển hình là cô giáo Bùi Thị Hương, giáo viên Trường Mầm non Yên Giang, với khả năng dẫn dắt nhẹ nhàng, giọng đọc truyền cảm cô đã đưa trẻ chuyển tiếp các hoạt động một cách linh hoạt khiến trẻ rất hứng thú và tự tin.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như sau: Một số hoạt động còn đi theo lối mòn, chưa có tính sáng tạo, hình thức chưa hấp dẫn, trang phục, đồ dùng đồ chơi phục vụ tiết dạy còn hạn chế. Một số giáo viên chưa xử lý được những tình huống phát sinh, giáo viên còn thụ động, máy móc, áp đặt trẻ. Một số hoạt động còn mang tính hình thức dẫn tới hiệu quả của hoạt động chưa cao, trẻ không hứng thú.
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao Giấy chứng nhận danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non cấp thị xã, năm học 2024-2025” cho 206 giáo viên, đồng thời khen thưởng 10 giáo viên có thành tích xuất sắc trong Hội thi. Hội thi đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non, đã thể hiện được tư tưởng đổi mới giáo dục mầm non. Các kinh nghiệm giảng dạy, kỹ thuật dạy học tích cực đã được giáo viên thể hiện và áp dụng một cách vững vàng qua các tiết dạy.
Hội thi cũng khẳng định thành công của việc Chuyển đổi số trong ngành giáo dục thị xã, giúp tạo ra môi trường học tập nơi mà mọi thứ kết nối với nhau. Sự kết hợp mới mẻ của công nghệ nhằm thu hẹp khoảng cách địa lý để tạo ra trải nghiệm trong học tập, đồng thời tăng cường sự tương tác của mỗi cá nhân. Hội thi là một sân chơi bổ ích, giúp người giáo viên mầm non trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến hay trong công tác giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Cùng với sự phát triển của xã hội, trong thời đại 4.0 thì càng đòi hỏi mỗi giáo viên cần phải nỗ lực hơn nữa để bắt kịp với xu thế và trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng tiên tiến để giúp trẻ tiếp cận với những phương pháp giáo dục mới. Giáo viên tham dự Hội thi với tinh thần cố gắng và quyết tâm cao đã thể hiện được tài năng sư phạm, vững vàng hơn trong chuyên môn, nghề nghiệp, là những hạt nhân tốt cho đơn vị, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Chương trình giáo dục mầm non.
Một số hình ảnh tại Hội thi:




TH: Nguyễn Thị Huệ -CMMN