Công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục huyện Ngọc Hồi: Thực trạng và Giải pháp
Vài năm trở lại đây, trong ngành giáo dục nước ta đã xuất hiện một khái niệm khá mới mẻ: kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD). Vậy công tác KĐCLGD phổ thông của huyện ta hiện nay đang diễn ra như thế nào, những người trong cuộc đã và đang làm gì để thực hiện công tác này? Mời các bạn theo dõi bài viết của thầy giáo Nguyễn Hương Tích – HT trường THCS Đắk Nông, bàn về vấn đề này.
Đây là một giải pháp quản lí chất lượng và hiệu quả nhằm mục đích đánh giá hiện trạng, xác định chính xác các điểm mạnh, điểm yếu của các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn đề ra, từ đó xây dựng kế hoạch phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để đảm bảo chất lượng và không ngừng phát triển.
I. Thực trạng công tác đánh giá cơ sở giáo dục
Tính đến thời điểm hiện nay, Ngành Giáo dục và Đào tạo Ngọc Hồi đã có hơn hai năm thực hiện công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục (TĐG&KĐCLGD). Qua hai năm thực hiện, dưới sự lãnh chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, sự cố gắng của từng nhà trường, sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp, công tác TĐG&KĐCLGD đã thu được những kết quả bước đầu:
1. Những kết quả đạt được:
Tổ chức tập huấn cho lãnh đạo và giáo viên cốt cán các trường, triển khai, quán triệt mục đích ý, nghĩa của công tác TĐG&KĐCLGD đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn Ngành.
Các trường đã có nhiều cố gắng và sáng tạo từ việc xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện công tác tự đánh giá.
Qua công tác TĐG&KĐCLGD chất lượng giáo dục và các hoạt động của các trường đã có nhiều chuyển biến tích cực.
2. Những tồn tại:
Nhận thức về vai trò, ý nghĩa của BC, GV, NV và học sinh trong công tác TĐG&KĐCLGD còn nhiều hạn chế.
Công tác quản lý, chỉ đạo của Ngành chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt.
Các cơ sở giáo dục chưa thấy hết sự khó khăn, phức tạp trong việc TĐG&KĐCLGD nên chưa xây dựng được kế hoạch sát với yêu cầu thực tiễn. Một tồn tại nữa đối với các trường là hoạt động tự đánh giá chưa trở thành hoạt động thường kỳ, không đưa vào kế hoạch năm học, do đó không tránh khỏi bị động.
3. Nguyên nhân:
Hệ thống văn bản pháp về công tác TĐG&KĐCLGD vẫn còn nhiều bất cập (có nhiều trùng lặp trong các tiêu chuẩn, tiêu chí hoặc yêu cầu chưa sát với thực tiễn..). Khối lượng công việc lớn đòi hỏi phải huy động một đội ngũ cán bộ giáo viên tham gia với một thời gian dài, hơn nữa vấn đề này không chỉ mới mà còn khá đa dạng và phức tạp cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Hầu hết các trường thiếu nhân viên văn thư nên công tác lưu trử thiếu khoa học, thất lạc nhiều minh chứng.
Các thành viên trong hội đồng tự đánh giá thường là cán bộ quản lý hoặc giáo viên kiêm nhiệm, bận nhiều công việc, nên không đầu tư được thời gian thỏa đáng cho công tác này, kinh nghiệm và các kỹ năng thu thập, xử lý thông tin còn hạn chế.
Tư duy quản lý theo kinh nghiệm (từ trước tới nay) chuyển sang quản lý theo khoa học (theo yêu cầu TĐG&KĐCLGD) đang phải trải qua một thời kỳ quá độ nên không tránh khỏi những bở ngỡ, khó khăn.
Một ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả tổ chức TĐG&KĐCLGD nữa là Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản quy định về mức chi phí cho các hoạt động TĐG&KĐCLGD. Ngoài ra, công tác nhân sự mới bước đầu được thiết lập, cán bộ phụ trách công tác kiểm định chất lượng giáo dục của Phòng Giáo dục và Đào tạo được phân công kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, khó có thể tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ.
II. Những giải pháp trong thời gian đến
1. Tăng cường nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên:
Tập thể lãnh đạo nhà trường và các cán bộ chủ chốt nhất thiết phải nắm vững và quán triệt đầy đủ các nội dung sau đây:
a. Mục đích của kiểm định chất lượng giáo dục:
Kiểm định chất lượng giáo dục không chỉ là đảm bảo nhà trường có trách nhiệm với chất lượng giáo dục và đào tạo mà còn mang lại động lực cải tiến và nâng cao chất lượng cho mọi hoạt động của nhà trường. Một kiểm định chất lượng giáo dục được coi là có hiệu quả khi không chỉ đánh giá một trường hay một chương trình giáo dục có đạt chất lượng hay không mà còn phải có vai trò của các chuyên gia tư vấn sẵn sàng giúp đỡ nhà trường giải quyết các vấn đề tồn tại và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường.
b. Mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục:
Ðánh giá hiện trạng của cơ sở giáo dục đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra như thế nào - tức là hiện trạng cơ sở giáo dục có chất lượng và hiệu quả ra sao?
Ðánh giá hiện trạng những điểm nào là điểm mạnh, điểm nào là điểm yếu so với các tiêu chuẩn đề ra của cơ sở giáo dục.
Trên cơ sở điểm mạnh và điểm yếu phát hiện được so với các tiêu chuẩn đề ra, định ra kế hoạch phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để phát triển.
Và mục tiêu tối thượng của kiểm định chất lượng giáo dục là xây dựng được văn hoá chất lượng cho cơ sở giáo dục. Một cơ sở giáo dục xây dựng được văn hoá chất lượng là cơ sở khi mà ở đó mỗi thành viên trong nhà trường đều biết công việc của mình và của những người liên quan thế nào là chất lượng, nhờ đó họ biết chủ động không ngừng nâng cao chất lượng công việc của mình, góp phần cùng những người liên quan hành động theo chất lượng.
c. Ý nghĩa của kiểm định chất lượng giáo dục:
Khi một cơ sở giáo dục đạt các cập độ trong kiểm định chất lượng giáo dục (sự thể chế hoá được phát triển đầy đủ nhất về tính chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục) đối với công luận. Kiểm định chất lượng không những mang lại cho cộng đồng bằng chứng về chất lượng giáo dục mà còn mang lại cơ hội và động cơ để nâng cao chất lượng cho các nhà trường qua kiểm định. Một trường chỉ được công nhận đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chí của hội đồng sau khi nhà trường chịu sự kiểm tra của các cán bộ đánh giá giàu kinh nghiệm và hiểu các yêu cầu kiểm định của giáo dục. Quá trình kiểm định cũng mang lại cho các trường đã qua kiểm định cơ hội tự phân tích đánh giá để có những cải tiến về chất lượng.
d. Kết quả kiểm định góp phần định hướng các hoạt động của xã hội:
Ðịnh hướng lựa chọn đầu tư của người học, của phụ huynh đối với cơ sở giáo dục có chất lượng và hiệu quả hơn phù hợp với khả năng của mình.
Ðịnh hướng lựa chọn đầu tư của Nhà nước để phát triển mạng lưới trường lớp cần thiết, phù hợp cho sự phát triển từng giai đoạn và trong tương lai.
Ðịnh hướng đầu tư của các doanh nghiệp muốn đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Ðịnh hướng cho các nhà đầu tư nuớc ngoài làm từ thiện hay cần phát triển vốn của mình.
Ðịnh hướng phát triển cho các cơ sở giáo dục để tăng cường năng lực cạnh tranh trong và ngoài nước (xây dựng văn hoá chất lượng, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả học thuật, quản lí và tài chính…).
Ðịnh hướng cho sự hợp tác trong giáo dục của các cơ sở trong cùng một địa bàn, trong cùng một khu vực…
Chỉ khi nào các cán bộ chủ chốt quán triệt được các điểm nêu trên thì mới chuyển từ bị ép làm tự đánh giá sang tự nguyện tham gia tự đánh giá và có quyết tâm, có biện pháp, tận tâm, trung thực trong việc tự đánh giá.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của công tác TĐG&KĐCLGD để cả cộng đồng hiểu và cùng hỗ trợ, cùng tham gia công tác này. Lãnh đạo nhà trường, cán bộ, giáo viên chủ chốt phải chủ động, sáng tạo trong công tác tuyên truyền thông qua các diễn đàn, các chương mục trên báo chí, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, phổ biến kiến thức và các kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đã đạt được, để tạo điều kiện cho xã hội biết và tham gia giám sát chất lượng giáo dục.
3. Phát triển đội ngũ chuyên gia:
Để thực hiện có hiệu quả công tác TĐG&KĐCLGD Phòng GD&ĐT sớm xây dựng và thành lập một đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực này. Đội ngũ chuyên gia được chọn là những CBQL và các giáo viên cốt cán có kinh nghiệm trong công tác TĐG&KĐCLGD từ các trường, tổ chức tập huấn nghiệp vụ và tạo điều kiện cho đội ngũ chuyên gia này có cơ hội tham quan học tập một số trường trong tỉnh đã hoàn thành công tác TĐG&KĐCLGD để họ có đủ năng lực tư vấn, giúp đỡ cho các trường trong các hoạt động tự đánh giá.
Chuyên gia tư vấn có các vai trò sau đây trong quá trình triển khai tự đánh giá:
Tư vấn lựa chọn minh chứng thích hợp: chuyên gia tư vấn hướng dẫn tìm minh chứng, giúp khẳng định minh chứng hợp lí hay chưa hợp lí hoặc các minh chứng gián tiếp có thể chấp nhận được.
Hoàn thiện các báo cáo tiêu chí: chuyên gia tư vấn sẽ góp ý cho bản phác thảo báo cáo tiêu chí đầu tiên. Giúp người viết báo cáo tiêu chí viết đúng các yêu cầu của một báo cáo tiêu chí. Nên nhớ rằng, chuyên gia tư vấn không nắm được nội tình của từng cơ sở giáo dục, chỉ có thể góp ý để viết đúng yêu cầu của một báo cáo tiêu chí.
Vì vậy, tốt nhất là nên tổ chức thẩm định báo cáo tiêu chí chung có mặt tất cả các thành viên hội đồng tự đánh giá và ban thư kí. Vì qua đó các thành viên mới góp ý được đầy đủ, chính xác hiện trạng, điểm mạnh, điểm tồn tại và kế hoạch khắc phục hợp lí, đúng đắn cho từng báo cáo tiêu chí. Cũng qua đó mọi thành viên đều biết viết thế nào là đạt yêu cầu, hiện trạng cơ sở mình đã đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đến đâu, điểm mạnh là gì, điểm yếu là gì, hướng khắc phục nó thế nào. Qua đó, xây dựng được văn hoá chất lượng cho cơ sở giáo dục của mình.
Hoàn thiện các báo cáo tiêu chuẩn: chuyên gia tư vấn giúp hoàn thiện báo cáo tiêu chuẩn thông qua góp ý, sửa chữa theo đúng yêu cầu của báo cáo tiêu chuẩn.
Hoàn thiện báo cáo tự đánh giá: thông thường, sau khi ghép các phần thành báo cáo tự đánh giá. Chuyên gia tư vấn giúp xem lại toàn bộ trước khi đưa ra hội đồng tự đánh giá thẩm định.
Thúc đẩy thực hiện đúng tiến độ tự đánh giá: ngoài các vai trò nêu trên, chuyên gia tư vấn còn góp phần đảm bảo tiến độ tự đánh giá theo đúng kế hoạch đề ra. Vì một khi kế hoạch chuyên gia tư vấn đến làm việc đã định, thì mọi thành viên tham gia viết báo cáo tự đánh giá đều phải đảm bảo đúng tiến độ, mà nhiều khi người trong cuộc (Ban thư kí, nhóm trưởng…) thúc đẩy đúng hạn không được, nhưng lên lịch làm việc với chuyên gia tư vấn thì mọi thành viên thậm chí phải làm thêm giờ để cho đúng hạn.
4. Hỗ trợ kinh phí cho công tác đánh giá:
Trong năm học trường nào đăng ký kế hoạch thực hiện đánh giá ngoài thì Phòng GD&ĐT phải có kế hoạch phân khai kinh phí hỗ trợ cho công tác tự đánh giá các trường đó, có như thế mới tạo được động lực trong việc thực hiện các công việc theo yêu cầu đặt ra. Trong thời điểm hiện tại các cơ sở giáo dục, các đơn vị trường học khi có nguồn kinh phí có thể chi trả chế độ cho cán bộ, giáo viên thực hiện công tác TĐG&KĐCLGD theo Thông tư số: 185/2010/TT-BTC, ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính.
5. Chỉ đạo điểm công tác TĐG&KĐCLGD:
Mỗi ngành học, bậc học Phòng GD&ĐT nên chọn một trường thực hiện điểm nhiệm vụ này, các trường này sẽ được sự quan tâm của toàn ngành về nhân lực (đội ngũ chuyên gia của ngành về công tác TĐG&KĐCLGD), về tài chính (Phòng GD&ĐT hỗ trợ khi phân khai dự toán hành năm). Trước mắt nên chọn các trường đã đạt chuẩn quốc gia trong từng bậc học.
6. Tham mưu bổ sung đội ngũ:
Phòng GD&ĐT làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện bổ sung biên chế cán bộ Văn thư, Thư viện, Thiết bị trường học cho các trường để hoàn thiện tổ chức bộ máy, đáp ứng đòi hỏi trong công tác quản lý theo yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục đặt ra.
7. Tổ chức các hội thảo chuyên đề, sơ kết, tổng kết:
Định kỳ hàng năm Phòng GD&ĐT nên tổ chức các hội thảo chuyên đề, sơ kết, tổng kết, để qua đó giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều cố gắng, sáng tạo trong công tác TĐG&KĐCLGD. Hơn thế, qua các hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết chúng ta xây dựng được phong trào thi đua trong lĩnh vực này, xây dựng được văn hóa chất lượng từ mỗi nhà trường và toàn ngành giáo dục, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ của ngành.
Nguyễn Hương Tích (HT Trường THCS Đắk Nông).
Nguồn tin:http://www.pgdngochoi.edu.vn/