BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG CỦA LỄ HỘI MIẾU TIÊN CÔNG
Các bạn học sinh thân mến !
Chúng ta tự hào về quê hương Hà Nam giàu truyền thống lịch sử, có nhiều lễ hội phong phú, độc đáo. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về người dân nơi đây lại háo hức, mong chờ đón lễ hội Miếu Tiên Công tưng bừng khoe sắc. Đã thành lệ, năm nào cũng vậy lễ hội diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng giêng Âm lịch.
Miếu Tiên Công có lịch sử hình thành từ lâu đời. Đây là nơi thờ 17 vị Tiên Công, đã rời quê hương từ kinh thành Thăng Long về quai đê lấn biển, lập nên vùng đảo Hà Nam vào năm 1434.
Gắn với di tích là lễ hội “rước người” độc đáo nhất Việt Nam, được các dòng họ và người dân tứ xã vùng đảo Hà Nam tổ chức với rất nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian sôi động. Di tích miếu Tiên Công và các nhà thờ dòng họ Tiên Công đã được xếp hạng Di tích Quốc gia từ năm 1990, còn lễ hội Tiên Công được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2018 vừa qua.
Không chỉ vậy, di sản văn hóa Tiên Công với những giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Đây là 1/11 điểm du lịch địa phương của TX Quảng Yên đã được UBND tỉnh công nhận. Hàng năm, di sản Tiên Công đón khoảng 35.000 -40.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, tạo nên không khí lễ hội mùa xuân náo nức, tưng bừng. Đặc biệt, có những vị khách nước ngoài ngưỡng vọng văn hóa Tiên Công, thể hiện nét đặc trưng là tôn vinh những bậc cao niên, vì vậy đã học theo nghi lễ "lễ sống" cụ Thượng. Điều đó cho thấy, giá trị giáo dục truyền thống của di sản không chỉ đối với con cháu Tiên Công ở mọi miền đất nước, mà còn lan tỏa cả tới kiều bào, khách du lịch nước ngoài...
Các bạn ạ ! Giá trị của lễ hội là vô cùng to lớn đối với đời sống của con người. Là học sinh nếu được trực tiếp tham gia trải nghiệm lễ hội sẽ thấy gắn bó, tự hào về những nét đẹp truyền thống dân tộc. Tự đáy lòng chúng ta sống biết nhớ tới cội nguồn, tổ tiên, hiếu thảo, biết ơn ông bà, cha mẹ. Đây là truyền thống quý báu cần phát huy trong mỗi gia đình Việt Nam. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian như chơi đu, cờ tướng, đấu vật….đã thắp sáng cho tâm hồn tuổi thơ thêm trong sáng, lành mạnh nhất là trong thời kì mở cửa hiện nay.
Tuy nhiên thực trạng di tích những năm qua lại rất đáng quan ngại. Theo các cụ cao niên nơi đây kể lại, miếu Tiên Công được người dân xây dựng vào năm 1723, với kiến trúc kiểu chữ Đinh có cung trong và ngoài phục vụ cho việc tế lễ. Miếu ngoài, nghi môn ngày xưa có kiến trúc 5 gian, 2 chái khá cầu kỳ, vững chãi. Miếu đã trải qua 3 lần trùng tu từ nguồn công đức và của nhân dân đóng góp cho đến trận lũ lụt lịch sử làm vỡ đê Hà Nam năm 1955 khiến công trình bị xuống cấp nghiêm trọng. Do điều kiện khó khăn khi ấy nên đã không thể phục hồi miếu ngoài, nghi môn mà chỉ giữ lại được miếu trong, nhà bái đường. Hai hạng mục này tiếp tục được nhân dân địa phương tu bổ, tôn tạo vào năm 1989 và tồn tại đến ngày nay.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Miếu Tiên Công, học sinh trường THCS Cẩm La, chúng ta cần nâng cao ý thức tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức như lập trang wed, trang Facebook; tổ chức lễ hội phong phú, đa dạng, học sinh tham gia trải nghiệm sáng tạo chơi các trò chơi dân gian đánh bóng chuyền, chơi đu, học hát đúm…. . Bên cạnh đó, có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa do trường, lớp tổ chức. Khi tham gia lễ hội cần giữ gìn cảnh quan khuôn viên của Miếu sạch đẹp, lịch sự, văn minh để lại dấu ấn trong lòng khách thập phương.
Các bạn ạ ! Mỗi chúng ta cần cố gắng giữ lửa, truyền lửa góp phần để lễ hội Miếu Tiên Công ngày càng lan tỏa, trở thành lễ hội truyền thống tốt đẹp ăn sâu trong tiềm thức của người dân Hà Nam nói riêng và tâm hồn Việt nói chung. Chúng ta hãy hành động từ nhưng việc làm nhỏ nhất để lễ hội Miếu Tiên Công xứng đáng là di tích lịch sử cấp quốc gia nhé.
Thực hiện: Đào Liên