Tin giáo dục thường xuyên 

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013 đối với GDTX

 Kính gửi:

                - Các trườmg tiểu học, THCS, TH&THCS;

                - Các Trung tâm học tập cộng đồng.

Căn cứ công văn số 2400/SGDĐT-CNTX ngày 27/8/2012 của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013 đối với giáo dục thường xuyên. Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã hướng dẫn các cơ sở giáo dục, các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) trên địa bàn thị xã thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên (GDTX) trong năm học 2012-2013, cụ thể như sau:

I. NHIỆM VỤ CHUNG:

Tiếp tục nâng cao nhận thức cho mọi người về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập (XHHT); thực hiện có hiệu quả việc xây dựng XHHT từ xã phường; tập trung củng cố mô hình học tập của các TTHTCĐ theo hướng một cơ sở thực hiện nhiều nhiệm vụ; tăng cường nền nếp, kỷ cương, hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, các cơ sở giáo dục thường xuyên, dạy nghề có trên địa bàn. Đa dạng hoá nội dung, chương trình và hình thức học tập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của mọi người; đổi mới phương pháp giảng dạy; đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên nhằm nâng cao chất lượng dạy học; đổi mới công tác quản lý, tăng cường nền nếp, kỷ cương trong các hoạt động chuyên môn; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, dạy học và nghiên cứu phát huy vai trò của các TTHTCĐ trong việc nâng cao hiệu quả công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục và hướng nghiệp dạy nghề.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ:

1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TƯ ngày 14/5/2011 của Bộ chính trị về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các cuộc vận động; các phong trào thi đua của ngành.

1.1. Các đơn vị lựa chọn chủ đề thiết thực, hình thức phù hợp để triển khai nội dung học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, các phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức, thái độ và hành vi của các bộ, giáo viên, học viên.

1.2. Tăng cường các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo nền nếp, kỷ cương trong dạy học, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm về chuyên môn, đạo đức; thực hiện khách quan, công bằng, tạo động lực thi đua trong học tập, rèn luyện để nâng cao chất lượng giáo dục.

2. Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập (XHHT) từ cơ sở.

2.1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 11/CT-TW ngày 30/4/2007 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 02/2008/CT-TTg ngày 08/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Đẩy mạnh tiến độ và các giải pháp thực hiện Nghị quyết 01/NQ-TV ngày 12/11/2010 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ và kế hoạch số 2074/QĐ-UBND ngày 30/6/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh xây dựng XHHT trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020.

2.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của học tập suốt đời, xây dựng XHHT.

- Các đơn vị chủ động lựa chọn nội dung tăng cường phối hợp với các cơ quan báo, đài địa phương để tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung của học tập suốt đời và xây dựng XHHT; về vai trò của GDTX trong việc nâng cao dân trí, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. Các đơn vị tuyên truyền quảng bá các kết quả nổi bật, người thật, việc thật, của trung tâm HTCĐ, Trung tâm GDTX để tuyên truyền về lợi ích học tập suốt đời.

- Có biện pháp thích hợp để khuyến khích cán bộ, giáo viên tích cực tham gia viết bài gửi Báo giáo dục Thời đại, khuyến học Quảng Ninh, để thông tin, quản bá về những lợi ích và những thành quả tốt đẹp mà GDTX mang lại; chia sẻ những kinh nghiệm hay, những bài học quý, những băn khoăn, trăn trở, những vướng mắc, khó khăn…tiếp tục đặt mua Báo Giáo dục và Thời đại trong các TTHTCĐ; đặc biệt là số chuyện đề “Xây dựng XHHT”.

- Tổ chức tuần lễ hướng ứng học tập suốt đời tại địa phương từ ngày 01 đến 07/10/2012. Các Trung tâm HTCĐ cần tổ chức khai giảng năm học mới kết hợp với tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội về hoạt động của TTHTCĐ.

2.3. Xây dựng kế hoạch triển khai đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”. Tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-TV từ cơ sở đến cấp tỉnh vào cuối năm học 2012-2013.

3. Tiếp tục củng cố, phát triển mô hình hoạt động GDTX.

3.1. Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo:

- Tích cực triển khai Chỉ thị số 10/CT-TW ngày 05/12/2011 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về PCGD Mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi và PCGD THCS; tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và các giải pháp trong đó “… Tăng nhanh tỉ lệ học sinh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề. Tăng cường nâng cấp CSVC trang thiết bị dạy và học nghề, có cơ chế, khuyến khích các cơ sở tuyển dụng học sinh sau Trung học cơ sở qua đào tạo nghề… nhằm phấn đấu ít nhất có 30% học sinh tốt nghiệp THCS được đi học nghề và học các chương trình TCCN”.

- Rà soát các tiêu chí đề ra trong kế hoạch của địa phương về thực hiện Nghị quyết số 01-NQ-TV của Ban thường vụ tỉnh uỷ về đẩy mạnh xây dựng XHHT trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020; tham mưu cho UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường sơ kết trong quý I năm 2013, tiến tới Hội nghị sơ kết cấp tỉnh vào quý II năm 2013.

- Nắm bắt các hoạt động giáo dục thường xuyên, tin học, ngoại ngữ, đặc biệt là liên kết đào tạo diễn ra trên địa bàn, nhằm thực hiện Quyết định 42/2010/QĐ-BGD ĐT ngày 28/7/2010 về liên kết đào tạo. Thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng sống cho học sinh, học viên và người lao động trên địa bàn.

- Tham mưu thực hiện Nghị định 115/2010/NĐ-CP, ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; sự cần thiết bố trí cán bộ chuyên trách về GDTX ở Phòng Giáo dục và Đào tạo. Tham mưu cho UBND thị xã thực hiện Thông tư 40/2010/TT-BGD-ĐT ngày 30/12/2010 về việc bố trí giáo viên Trung học cơ sở kiêm nhiệm công tác thường trực tại TTHTCĐ xã phường.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch hoạt động của thị xã, các xã phường về giáo dục cho mọi người giai đoạn 2013-2015 với những nội dung thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương. Bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ chủ chốt của cơ sở giáo dục trên địa bàn.

- Phối kết hợp với Hội khuyến học thị xã tham mưu xây dựng xã hội học tập trên địa bàn; thúc đẩy hoạt động khuyến học, khuyến tài và hoạt động của các TTHTCĐ đi vào nề nếp, hiệu quả.

- Tổ chức tốt công tác thi đua, khen thưởng ở địa phương, gửi báo cáo các hoạt động GDTX đúng quy định.

3.2. Đối với Trung tâm giáo dục thường xuyên.

- Thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định; phối hợp với Phòng GD&ĐT làm tốt công tác quản lý giáo dục trên địa bàn.

- Tích cực xây dựng và phát triển Trung tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ: GDTX - Hướng nghiệp - Dạy nghề.

- Tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đối với các TTHTCĐ; chủ động phối hợp với Phòng GD&ĐT để thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo và tổ chức hoạt động cho toàn bộ CBQL, cán bộ thường trực của TTHTCĐ; tập huấn bồi dưỡng về phương pháp dạy học người lớn cho giáo viên, báo cáo viên, hướng dẫn viên của TTHTCĐ trên địa bàn.

3.3. Đối với các Trung tâm học tập cộng đồng.

- Ban giám đốc Trung tâm cần tham mưu với Đảng bộ, chính quyền xã phường kiện toàn và ổn định Ban giám đốc Trung tâm, xây dựng mô hình TTHTCĐ hoạt động theo hướng kết hợp với nhà văn hoá, điểm Bưu điện văn hoá xã, thư viện xã, phường; tăng cường huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và từ xã hội hoá giáo dục để xây dựng CSVC, mua sắm thiết bị, phương tiện hoạt động cho các TTHTCĐ; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, hướng dẫn viên nòng cốt cho TTHTCĐ.

- Chú trọng việc mở rộng địa bàn hoạt động của TTHTCĐ theo hướng đưa các lớp học, các hoạt động của TTHTCĐ về tận các thôn, xóm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tham gia học tập. Tiếp tục xây dựng điểm một số THTCĐ ở các địa bàn khác nhau; tổ chức rút kinh nghiệm triển khai nhân rộng; tăng cường phối hợp với các ban ngành trong thị xã để mở các lớp tập huấn, biên soạn tài liệu, học liệu địa phương, tài liệu tham khảo, các chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ tại các TTHTCĐ nhằm tạo điều kiện cho người dân học tập theo nhu cầu. Phối hợp với các TTHN-GDTX trong và ngoài thị xã đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Thông tư số 96/2008/TT-BTC ngày 27/10/2008 của Bộ tài chính về hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các TTHTCĐ; Quyết định 3607/2010/QĐ-UBND ngày 02/12/2010 của uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc quy định mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với các cán bộ quản lý và mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các Trung tâm HTCĐ; cụ thể: Đối với các TTHTCĐ thuộc các xã, phường khu vực I: 25 triệu đồng. Đối với các TTHTCĐ thuộc các xã, phường thuộc khu vực II, III: 30 triệu đồng. Khu vực còn lại: 15 triệu đồng. Thực hiện công văn số 4261/ SGD-ĐT-KHTC ngày 19/12/2011 về việc hướng dẫn Quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các TTHTCĐ cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

- Lập kế hoạch chi tiết về nội dung hoạt động của TTHTCĐ trong từng tháng, cả năm.

- Thường xuyên ghi nhật ký; cập nhật đầy đủ các nội dung hoạt động của TTHTCĐ.

- Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban giám đốc Trung tâm; mỗi thành viên phải chịu trách nhiệm thực hiện có hiệu quả các nội dung công tác khi được phân công.

- Các Trung tâm cần phối kết hợp chặt chẽ với ban, ngành; các phòng chuyên môn trong thị xã để mở các lớp tập huấn theo nhu cầu của nhân dân địa phương.

- Tất cả các lớp tập huân được tổ chức tại các xã, phường trên địa bàn thị xã phải được các Trung tâm tổ chức và có trách nhiệm quản lý.

- Ban giám đốc các Trung tâm HTCĐ cần tham mưu tích cực với Chính quyền địa phương và các phòng ban trong thị xã để đầu tư thêm cơ sở vật chất tạo điều kiện cho trung tâm hoạt động có hiệu quả.

- Ban giám đốc các Trung tâm cần quản lý, sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho Trung tâm.

- Có hệ thống hồ sơ; chứng từ theo đúng quy định của Sở Tài chính.

- Cần lưu giữ, quản lý các loại hồ sơ, tài liệu, học liệu của Trung tâm được tỉnh, thị xã cấp phát một cách đầy đủ, khoa học.

- Tăng cường sự chỉ đạo, quản lý; kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các Trung tâm HTCĐ trên địa bàn.

- Thực hiện nghiêm túc việc thông tin, báo cáo định kỳ theo quy định của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

3.4. Đối với các trường tiểu học, THCS và cơ sở GDTX:

- Hoàn thiện hồ sơ quản lý, hồ sơ chuyên môn và tổ chức rà soát, đánh giá năng lực của đội ngũ giáo viên của các trường tiểu học, THCS tích cực chuẩn bị các điều kiện thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Ở những nơi có điều kiện liên kết đào tạo thực hiện nghiêm túc việc tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả học tập chương trình GDTX về tiếng Anh thực hành ban hành theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGD-ĐT ngày 02/12/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Khuyến khích dạy học Tin học ứng dụng trong trường phổ thông có đủ điều kiện theo quy định.

4. Tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục

4.1. Đổi mới công tác quản lý đối với các cơ sở GDTX.

- Thực hiện việc phân cấp quản lý, tăng cường tính tự chủ, tính tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở GDTX gắn với trách nhiệm; tăng cường nền nếp, kỷ cương thực hiện kế hoạch nhiệm vụ trong các hoạt động của cơ sở GDTX.

- Tăng cường sự phối hợp giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo với Trung tâm HN – GDTX và UBND xã, phường để tập trung chỉ đạo, hỗ trợ, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm HTCĐ.

4.2. Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn:

- Tích cực đổi mới PPDH, kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng các chương trình GDTX; tăng cường trách nhiệm của các cấp quản lý trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học các chương trình GDTX..

- Tăng cường các hoạt động tập huấn, hội thảo, hội giảng, hội thi (Giáo viên giỏi, báo cáo viên giỏi, tuyên truyền viên giỏi, học viên giỏi) ở các cấp, tích cực tham gia tự làm thiết bị dạy học chương trình GDTX; nghiên cứu khoa học ứng dụng, viết sáng kiến kinh nghiệm về quản lý, giảng dạy… góp phần nâng cao chất lượng dạy học các chương trình GDTX.

4.3. Các cơ sở GDTX tiếp tục tăng cường các hoạt động giáo dục:

Thực hiện nghiên túc, có hiệu quả các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giáo dục về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; giáo dục về ứng phó với biến đổi khí hậu; giáo dục phòng chống ma tuý, HIV/AIDS; giáo dục an toàn giao thông… Tăng cường biên soạn các tài liệu phù hợp với đặc điểm vùng, miền; tích cực tham gia các hoạt động do các cơ quan, đơn vị, đoàn thể của địa phương tổ chức.

4.4. Tăng cường ứng dụng CNTT, hoàn thiện và đưa vào sử dụng trang Website quản lý của TTHTCĐ; tăng cường nội dung thông tin về GDTX trên Website của Phòng, của Sở, thực hiện chủ trương tất cả các Trung tâm HTCĐ được nối mạng Internet.

4.5. Tổ chức tốt công tác sơ kết, tổng kết năm học, công tác thi đua, khen thưởng ở địa phương; gửi báo cáo về Phòng giáo dục và Đào tạo đảm bảo kịp thời, đúng nội dung và thời gian quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Trên cơ sở những nội dung hướng dẫn trên, căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị để xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Phòng Giáo dục và Đào tạo để kịp thời xử lý.

Công văn số : 494/PGD&ĐT-GDTX