Tin tức 

Tổ chức các hoạt động tích hợp học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và giáo dục kỹ năng sông cho trẻ mầm non năm học 2018-2019

 Tổ chức các hoạt động tích hợp học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và giáo dục kỹ năng sông cho trẻ mầm non 
năm học 2018-2019

Hôm nay, tại trường mầm non Phong Cốc, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Quảng Yên triển khai chuyên đề “Tổ chức các hoạt động tích hợp học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non ” năm học 2018- 2019.

Việc đưa nội dung tích hợp học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và giáo dục kỹ năng sống vào trường mầm non, đem đến cho trẻ lòng vị tha, yêu thương con người, yêu cây cỏ hoa lá, yêu động vật thiên nhiên qua câu chuyện, bài thơ, hát, hình ảnh vi deo …về Bác Hồ mà trẻ học tập theo người từ đức tính tiết kiệm, cẩn thận, sách sẽ, yêu thể dục…, giúp trẻ có kỹ năng sống qua giáo viên khéo léo giáo dục, tích hợp trực tiếp qua các hoạt động từ đón trẻ đến ăn, ngủ, học và chơi...

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ phải lựa chọn các hoạt động để dạy trẻ một số kỹ năng sống cần thiết như: sử dụng, sắp xếp đồ dùng, đồ chơi gọn gàng, ngăn nắp, kĩ năng bảo vệ giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh nơi nguy hiểm, tránh những vật dụng nguy hiểm trong lớp học như ổ điện, lan can, không đi theo, không nhận quà của người lạ khi chưa được người thân cho phép. Cẩn thận với người lạ; Làm gì khi bị lạc, tránh xa nơi nguy hiểm ( bài Chú Thợ điện; Chú công nhân xây dựng); Một số số điện thoại cần gọi khi gặp trường hợp khẩn cấp như 113, 114, 115 khi xảy ra cháy nổ, tai nạn...

Giúp giáo viên trong trường mầm non xác định rõ hơn việc tích hợp, lồng ghép nội dung học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non vô cùng nhẹ nhàng thoải mải, tự nhiên, không áp đặt trẻ. Áp dụng phẩm chất đạo đức của Bác giáo viên, nhân viên trong chăm sóc giáo dục trẻ mầm non thể hiện ở việc yêu nghề, tôn trọng trẻ, đoàn kết, yêu thương giúp đỡ đồng nghiệp.

Đây là một hoạt động chuyên môn mang hình thức trải nghiệm thực tế nhiều. Nhằm bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên mầm non, tạo cơ hội cho giáo viên được chia sẻ những kinh nghiệm và phương pháp về tổ chức các hoạt động tích hợp. Chuyên đề còn góp phần đánh giá những ưu điểm, hạn chế của giáo viên trong tổ chức các hoạt động dạy trẻ theo phương pháp “lấy trẻ làm trung tâm” từ đó rút kinh nghiệm để triển khai hiệu quả hơn.

Về dự và chỉ đạo chuyên đề có đồng chí Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, các đồng chí cán bộ quản lý của 19 trường mầm non công lập, 02 trường mầm non tư thục và 08 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cùng 654 giáo viên cấp học mầm non trong thị xã tham dự. Chuyên đề được 04 cô giáo thể hiện với hoạt động cụ thể sau:

Nhà trẻ 24-36 tháng tuổi: cô giáo Nguyễn Thị Hương, giáo viên trường mầm non Yên Giang thực hiện hoạt động Nhận biết quả cam;

Mẫu giáo 3-4 tuổi: cô giáo Nguyễn Kim Anh, giáo viên trường mầm non Liên Hòa thực hiện hoạt động kể chuyện : Chú vịt lông vàng;

Mẫu giáo 4-5 tuổi: cô giáo Hoàng Thị Sen, giáo viên trường mầm non Yên Hải thực hiện hoạt động: Dạy vỗ tay vận động bài hát: Lý cây bông ;

Mẫu giáo 5-6 tuổi: cô giáo Lê Thị Loan, giáo viên trường mầm non Phong Cốc thực hiện hoạt động: KHKH trò chuyện về Bác Hồ kính yêu.

Qua 04 tiết dạy minh họa cho thấy: để giáo dục trẻ em trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước có đủ các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư (nghĩa là giáo dục trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và vinh dự của những người làm công tác giáo dục mầm non, của người giáo viên mầm non. Tuy nhiên việc tích hợp nội dung vào việc tổ chức các hoạt động cho trẻ mầm non có hiệu quả là một điều không dễ. Nó đòi hỏi người giáo viên phải biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình giảng dạy, khi nào cần giáo dục nội dung gì, không tham ôm đồm nhiều nội dung trong 01 tiết dạy, làm thế nào để trẻ lĩnh hội đầy đủ kiến thức một cách nhẹ nhàng, thoải mái thì mới hiệu quả.

Sau Hội nghị chuyên đề, cán bộ giáo viên cấp học mầm non thị xã Quảng Yên đã hiểu hơn về việc cần đưa nội dung tích hợp và phương pháp tổ chức các hoạt động để trẻ dễ nhận thấy cần học tập Bác Hồ kính yêu của trẻ và có một số kỹ năng sống phù hợp đối với độ tuổi mầm non. Hội nghị chuyên đề là một biện pháp bồi dưỡng chuyên môn rất hữu ích để mỗi giáo viên được học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm, góp phần vào việc nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non trong những năm học tiếp theo./..

TH: Đỗ Thị Thúy