Tin tức THCS 

Đánh giá chất lượng chuyên đề cụm trường cấp THCS năm học 2013-2014

 Kính gửi: Các trường THCS, TH&THCS.

Thực hiện công văn số 564/KH-PGD&ĐT ngày 16/09/2013 của Phòng Giáo dục và đào tạo Quảng Yên V/v “Kế hoạch tổ chức Hội thảo chuyên đề cấp THCS năm học 2013-2014”, đến nay các cụm trường đã hoàn thành kế hoạch chuyên đề học kỳ I theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở thảo luận rút kinh nghiệm sau mỗi chuyên đề cụm; sự thống nhất trong nhóm giáo vụ và giáo viên dạy các bộ môn, Phòng Giáo dục và Đào tạo thông báo kết luận chuyên đề cấp cụm trường năm học 2013-2014, cụ thể như sau:

I/. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Việc thực hiện chuyên đề theo hướng chuyên sâu ở từng bộ môn được tất cả các đồng chí cán bộ quản lý và giáo viên các trường đồng tình và đánh giá là hướng đi tích cực, có tính thiết thực, mang hiệu quả cao trong việc bồi dưỡng chuyên môn giáo viên.

1. Ưu điểm

1.1. Công tác tổ chức và chuẩn bị :

- Chuyên đề thực hiện đúng kế hoạch. Ban giám hiệu các cụm trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức chuyên đề hợp lý. Các trường được phân công làm cụm trưởng chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, điều động các lớp học sinh tham gia học chuyên đề theo kế hoạch đảm bảo đúng thời gian quy định.

- Các đồng chí giáo viên được phân công báo cáo và dạy thể nghiệm trong chuyên đề có tinh thần trách nhiệm cao, tiếp thu ý kiến xây dựng của đồng nghiệp; đặc biệt thể hiện được vai trò tự học, tự bồi dưỡng và thể hiện được bản lĩnh chuyên môn trong các giờ dạy.

- Giáo vụ các bộ môn có tinh thần trách nhiệm trong việc góp ý, xây dựng báo cáo, giờ dạy cho giáo viên của các trường được phân công thực hiện chuyên đề.

- Hầu hết hiệu trưởng các trường đã phân công và bố trí cho cán bộ giáo viên đi dự chuyên đề đủ, đúng thành phần để đạt được mục đích chuyên đề là bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên.

1.2. Báo cáo: Báo cáo cụ thể, rõ ràng, tập trung vào những vấn đề thiết thực phục vụ cho việc nâng cao chất lượng dạy, học.

1.3. Các giờ dạy:

- Các giờ dạy đã tập trung chuyên sâu vào những dạng bài khó mà giáo viên thường e ngại, né tránh và đạt được mục tiêu của chuyên đề. Cùng một bài dạy bố trí hai giáo viên dạy ở các lớp đối tượng khác nhau (lớp đại trà và lớp chọn)... Nhiều đồng chí giáo viên đã có sự sáng tạo riêng trong việc tổ chức giờ dạy. Các giờ dạy đều đảm bảo đạt chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng, khắc sâu kiến thức trọng tâm, chú ý phát huy tính tích cực học tập của học sinh, mạnh dạn giao việc cho học sinh học tập, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho bài giảng đạt hiệu quả. Giáo viên đã quan tâm rèn luyện kỹ năng thực hành cho học sinh góp phần hạn chế những lúng túng và e ngại đối với những giờ dạy khó trong chương trình.

- Sau mỗi chuyên đề, các đồng chí cán bộ giáo viên tham gia nhận xét rút kinh nghiệm sôi nổi, chuyên đề nhận được nhiều ý kiến tham gia xây dựng sâu sắc của các đồng chí cán bộ quản lý và giáo viên bộ môn trong toàn cấp học.

2. Tồn tại :

- Đối với Tổ chuyên môn Phòng Giáo dục và Đào tạo: Bố trí thực hiện chuyên đề các ngày liên tục gây vất vả cho Ban giám hiệu trong việc phân công cán bộ quản lý và bố trí giáo viên đi dự giờ.

- Đối với các trường: Có trường thực hiện chưa nghiêm túc việc phân công cán bộ quản lý đi dự giờ bộ môn phụ trách, có bộ môn chỉ cử cán giáo viên, không có cán bộ quản lý, cũng không báo cáo lý do vắng mặt. Có trường cử chưa đủ thành phần giáo viên đi dự theo quy định (chỉ cử đại diện). Một số giáo viên chỉ dự giờ buổi sáng, không dự nghe thảo luận buổi chiều.

Các tồn tại trên tổ chuyên môn Phòng Giáo dục và Ban giám hiệu các trường, các đồng chí giáo viên cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để tổ chức các chuyên đề sau đạt được hiệu quả cao hơn.

II/. THỐNG NHẤT THỰC HIỆN SAU CHUYÊN ĐỀ

Để thống nhất trong toàn ngành về việc vận dụng phương pháp dạy học tích cực, Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn: Các trường chỉ đạo cho giáo viên tuỳ theo từng môn học, bài học soạn giảng phát huy phương pháp dạy học tích cực cho hiệu quả. Cần quan tâm đến việc giao bài về nhà cho học sinh.

1. Môn Ngữ văn:

1.1. Quan tâm đến kiểm tra việc chuẩn bị bài của học sinh ở nhà.

1.2. Giáo viên thường xuyên quan tâm đến việc rèn luyện kĩ năng thực hành (luyện nói và xây dựng đoạn văn) cho học sinh trong tất cả các phân môn:

- Phân môn Ngữ văn: Căn cứ vào văn bản cụ thể để luyện cho học sinh: cảm nhận về những hình ảnh thơ, đoạn thơ hay, cảm nghĩ về nhân vật, về câu thơ, đoạn thơ, về chi tiết truyện, về nhan đề của tác phẩm, cảm nhận về cách kết thúc truyện....Học sinh biết cảm nhận về cái hay của các hình thức nghệ thuật trong văn bản … (cần linh hoạt thực hiện cho phù hợp, không máy móc bắt tất cả các giờ học văn bản đều yêu cầu học sinh luyện như trên).

- Phân môn Tiếng Việt và Tập làm văn: Nhất thiết phải rèn cho học sinh kĩ năng viết đoạn văn theo yêu cầu của nội dung kiến thức.

+ Giáo viên cần linh hoạt trong phần luyện cho học sinh để nhiều học sinh được thực hành.

+ Khi chữa bài, bên cạnh chữa về hình thức, nội dung theo yêu cầu đề bài, giáo viên có thể sửa cho học sinh về cách dùng biện pháp tu từ (căn cứ vào đối tượng học sinh).

+ Sau khi sửa bài viết đoạn văn cho học sinh, giáo viên phải có đoạn văn tham khảo để học sinh học tập (giáo viên nên dùng bảng phụ hoặc máy chiếu, phân tích để học sinh quan sát được bài tham khảo).

+ Đối với giờ luyện nói: Giáo viên cần thực hiện đủ các bước theo yêu cầu chuẩn bị trong sách giáo khoa một cách linh hoạt để đạt hiệu quả cao trong giờ học. Lựa chọn đề phù hợp với đối tượng học sinh để cho học sinh thực hành luyện theo nhóm, luyện trước lớp (giáo viên linh hoạt để nhiều học sinh được thực hành - không tham làm nhiều đề, nhưng cũng không nên quá áp đặt). Sau khi học sinh luyện, giáo viên cần sửa cụ thể và nên làm mẫu cho học sinh.

+ Đối với giờ Cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học (tiết 53- Ngữ văn 7): Thực hiện việc điều chỉnh theo phân phối chương trình (Giáo viên lựa chọn ngữ liệu phù hợp hơn để dạy). Khi lựa chọn ngữ liệu, giáo viên cần chú ý lựa chọn ngữ liệu tiêu biểu, chuẩn về cách dùng từ, diễn đạt câu, đoạn văn... phù hợp với học sinh, đáp ứng được mục đích của giờ học.

2. Môn Giáo dục công dân:

- Giáo viên cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để khai thác các tình huống, tư liệu phục vụ cho bài giảng.

- Cần tích cực vận dụng một cách phù hợp, linh hoạt các phương pháp hiện đại như: thảo luận nhóm, động não, xử lí tình huống, đóng vai, tổ chức trò chơi, dự án…để gây hứng thú cho học sinh trong giờ học.

- Sử dụng bộ tài liệu lồng ghép trong môn GDCD (Đã chuyển cho các trường qua hộp thư ngày 30/7/2013). Căn cứ vào phân phối chương trình môn Giáo dục công dân THCS mới nhất (đã cụ thể tích hợp, lồng ghép vào từng bài dạy). Nội dung tích hợp, lồng ghép cần ghi rõ trong phần Mục tiêu của tiết dạy. Trong giờ dạy, giáo viên tích hợp, lồng ghép các nội dung theo yêu cầu một cách nhẹ nhàng, tự nhiên (như đã thực hiện trong các giờ dạy thực nghiệm tại chuyên đề).

- Nội dung ghi bảng được ghi theo trình tự sách giáo khoa.

- Đối với các giờ ngoại khoá: Căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, giáo viên, học sinh giáo viên thực hiện giờ ngoại khoá: có thể tổ chức theo từng lớp hoặc cả khối; có thể tổ chức theo hình thức toạ đàm, hái hoa dân chủ hoặc mời đại biểu đến nói chuyện… Tuy nhiên cần tổ chức cho linh hoạt, phù hợp và đạt được mục đích yêu cầu của bài học về kiến thức và kĩ năng.

3. Môn Vật lý:

Các trường tiếp tục trao đổi thảo luận trong tổ nhóm chuyên môn để lựa chọn bài dạy bằng phương pháp “ Bàn tay nặn bột”. Có thể áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” theo chuyên đề thực hành vào một buổi hoặc lựa chọn một bài hoặc một nội dung của bài học để tạo cho học sinh có thói quen được tự tay làm thí nghiệm, được nghiên cứu khoa học nhằm phát huy tư duy tích cực và rèn ngôn ngữ nói, viết cho học sinh.

4. Môn Tiếng Anh:

Giáo viên cần chú ý sửa lỗi phát âm cho học sinh trong mọi giờ học, chú ý phát triển kĩ năng nghe nói cho học sinh.

5. Môn Mỹ thuật:

- Thực hiện soạn giảng, ghi đầu bài trên bảng theo đúng phân phối chương trình. Soạn và giảng bài cần xác định rõ mục tiêu của mỗi kiểu bài, đảm bảo rõ trọng tâm kiến thức. Vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học đặc trưng phù hợp với mỗi kiểu bài môn Mĩ thuật THCS.

- Tích cực luyện vẽ minh họa trên bảng và vẽ tranh mẫu cụ thể nhằm tạo hứng thú học tập cho mọi đối tượng học sinh.

- Trong quá trình dạy chú ý phân phối thời gian cho mỗi hoạt động một cách hợp lý, với kiểu bài có hoạt động thực hành nên dành nhiều thời gian cho học sinh hoàn thành bài tập theo yêu cầu.

- Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy một cách có chọn lọc để đạt hiệu quả cao.

6. Môn Thể dục:

a. Tổ chức 1 tiết học thể dục có nhiều nội dung:

- Yêu cầu giáo viên : Phải chuẩn bị chu đáo từ sân bãi, dụng cụ đến các đội hình tập luyện - khởi động - bổ trợ - kiểm tra bài - kiến thức cũ - làm mẫu - luyện tập mới - củng cố …. sau đó phải tổ chức trò chơi cho học sinh rồi tổ chức rèn thể lực….căn cứ vào phân phối chương trình và điều kiện thực tế tại đơn vị mình giáo viên phải nghiên cứu sắp xếp, tổ chức cho giờ học thật khoa học mới đảm bảo được sự liên kết các nội dung thật hợp lý đem lại hiệu quả cho giờ học.

- Khi soạn bài dạy cụ thể và làm công tác chuẩn bị thực hiện bài dạy giáo viên cần chú ý phần bồi dưỡng, rèn luyện cho các em khả năng điều khiển chỉ huy để phụ giúp hoặc thay giáo viên điều khiển lớp khi cần thiết.

- Phải nắm được các hình thức tổ chức tập luyện, cách bố trí đội hình tập luyện, các phương pháp dạy học TDTT. Trong mỗi tiết học giáo viên phải luôn làm chủ để xử lý kịp thời các tình huống trên sân.

- Phải nắm được nội dung theo chương trình qui định, mỗi tiết học giáo viên phải dự kiến trước được các tình huống có thể xảy ra, đội hình cần thiết để dạy học và tổ chức tập luyện hết các nội dung.

b. Với tiết học có 03 nội dung như tiết 22 lớp 9, thì giáo viên nên chọn các động tác bổ trợ của chạy ngắn và luyện tập kỹ thuật chạy ngắn có liên quan đến việc luyện tập chạy đà, giậm nhảy trong nhảy xa và kĩ thuật bước chạy trong chạy bền; hoặc tiết 21 lớp 7, tiết 24 lớp 8: các động tác bổ trợ và kĩ thuật chạy có liên quan đến việc tập các bước di chuyển trong cầu lông và đá cầu…Do vậy việc sắp xếp các nội dung, tổ chức các đội hình tập luyện phù hợp đóng vai trò quan trọng để dạy thành công một tiết dạy thể dục có nhiều nội dung.

c. Tổ chức trò chơi:

- Trước khi chơi: giáo viên phải phổ biến cách chơi, luật chơi, chia đội chơi và qui định hình thức thưởng phạt.

- Yêu cầu học sinh biết và thực hiện được trò chơi, giáo viên cần chú ý tạo không khí lớp học vui vẻ cho học sinh trong khi thực hiện trò chơi giữa các đội.

6. Môn Âm nhạc:

- Giáo viên cần chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thực hiện đúng chuẩn kiến thức kĩ năng, thực hiện phương pháp dạy học sáng tạo theo đúng đặc trưng bài, phát huy được tính tích cực của học sinh.

- Giáo viên nên chú ý thường xuyên sửa sai cho học sinh. Việc thực hiện âm hình tiết tấu trong bài dạy TĐN nên bám sát nội dung yêu cầu SGK.

- Nên mở rộng lấy ví dụ liên hệ ở địa phương về bài đọc thêm Hội xuân “Sắc bùa”.

III/. PHƯƠNG HƯỚNG BỒI DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN TIẾP THEO.

1. Tích cực triển khai thực hiện Thông tư số 31/2011/TT- BGDĐT ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch số 361/KH-PGD&ĐT ngày 02 tháng 7 năm 2013 của Phòng Giáo dục và Đào tạo “Kế hoạch Bồi dưỡng thường xuyên cấp Trung học cơ sở năm học 2013-2014”. Tổ chức đánh giá, nghiệm thu công tác bồi dưỡng thường xuyên của cán bộ giáo viên trong đơn vị, tổng hợp báo cáo về Phòng GD&ĐT theo quy định.

2. Trên cơ sở kết quả chuyên đề cấp cụm trên đây, tích cực phổ bieensvaf ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

3. Chuẩn bị nội dung cho công tác bồi dưỡng hè 2014 và năm học 2014-2015:

Để công tác Bồi dưỡng cán bộ, giáo viên một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường căn cứ vào tình hình thực tế công tác quản lý và giảng dạy của cán bộ giáo viên năm học 2013-2014, họp bàn trong tổ nhóm chuyên môn nội dung đề nghị Phòng Giáo dục tổ chức Bồi dưỡng hè 2014 và nội dung thực hiện chuyên đề (cấp cụm trường, cấp thị xã) năm học 2014-2015. Ban giám hiệu nhà trường tổng hợp đề nghị Phòng Giáo dục tổ chức Bồi dưỡng hè 2014 và thực hiện chuyên đề năm học 2014-2015, gửi về tổ chuyên môn Phòng Giáo dục trước ngày 17/5/2014 (theo mẫu gửi kèm).

Nhận được văn bản này, Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hiệu trưởng triển khai tới toàn thể cán bộ, giáo viên trong trường để thực hiện và có kế hoạch tiếp tục cho công tác bồi dưỡng đội ngũ tại đơn vị. /.