Tin văn phòng 

Sử dụng phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực với phòng học thông minh

 Sử dụng phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực với phòng học thông minh để phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh
tại thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh

Năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT Quảng Ninh tiếp tục triển khai Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong ngành giáo dục giai đoạn 2. Thị xã Quảng Yên có 02 trường được đầu tư theo mô hình trường học thông minh. Đó là trường THCS Lê Quý Đôn và trường TH Ngô Quyền với tổng số 10 phòng học thông minh. Xác định đây là công nghệ giáo dục mới hiện đại nhất hiện nay đang được áp dụng hiệu quả tại nhiều địa phương trong cả nước, Phòng GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo 02 đơn vị thực hiện dự án với quan điểm: Sử dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực cùng với khai thác tối đa hiệu quả của phòng học thông minh để phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Với quan điểm đó, Phòng GD&ĐT Quảng Yên đã chỉ đạo các nhà trường thành lập Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CNTT, trong đó phân công nhiệm vụ Ban chỉ đạo rõ ràng, cụ thể: Hiệu trưởng là Trưởng ban, Phó hiệu trưởng là Phó ban, các uỷ viên bao gồm: Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên dạy tin học, GV phụ trách CNTT của trường.

Để triển khai hiệu quả các phòng học thông minh đòi hỏi giáo viên phải thành thạo trong sử dụng công nghệ thông tin. Chính vì vậy, công tác tập huấn và soạn giảng thử nghiệm đã được các nhà trường quan tâm triển khai từ 15/8 đến 30/9/2017. Sau khi được Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn cho giáo viên cốt cán, các nhà trường đã tổ chức tập huấn lại cho cán bộ, giáo viên theo tổ, nhóm chuyên môn về kỹ thuật soạn bài, sử dụng các thiết bị phòng học tương tác. Bố trí giáo viên thành thạo công nghệ thông tin hỗ trợ, giúp đỡ các giáo viên khác. Ban giám hiệu nhà trường lên kế hoạch chi tiết về việc kiểm tra giám sát, đánh giá việc thực hiện soạn giảng và sử dụng các phòng tương tác. Tổ chức nghiệm thu các tiết dạy sau tập huấn. (Ít nhất 1 bài/1 môn)

Các nhà trường đã chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch sử dụng thiết bị dạy học trong đó có bổ sung việc sử dụng các phần mềm, các trang thiết bị của phòng học tương tác (có 15 loại thiết bị cùng máy tính bảng của học sinh và các đồ dùng dạy học khác…). Công tác soạn giảng được tiến hành từ 01/10/2017. Giáo viên soạn giảng trên các phần mềm đã được tập huấn, có thực hiện tương tác giữa giáo viên, học trong các tiết học. Giáo viên đăng kí bài dạy theo môn, theo từng lớp. Ban giám hiệu nhà trường bố trí luân phiên hợp lí các tiết học tại 5 phòng học tương tác để đảm bảo tối đa hiệu quả sử dụng.

Cùng với việc triển khai sử dụng các phòng học thông minh, Phòng GD&ĐT cũng đã chỉ đạo chuyên môn các nhà trường hướng dẫn giáo viên áp dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực của học sinh. Các phương pháp chủ yếu là: Dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề; Phương pháp dạy học hợp tác trong nhóm nhỏ; Phương pháp dạy học trực quan; Phương pháp dạy học luyện tập và thực hành; Phương pháp dạy học bằng bản đồ tư duy; Phương pháp dạy học bằng trò chơi... Cùng với việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, các nhà trường còn chỉ đạo giáo viên sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực, sáng tạo, sự hợp tác làm việc của học sinh. Các kỹ thuật thường được giáo viên sử dụng là: “động não”, “tia chớp”, “bể cá”, XYZ, kỹ thuật “3 lần 3”, bản đồ tư duy... Các phương pháp được sử dụng phải đảm bảo được nguyên tắc học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên, khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc... nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Hiện nay, dạy học hiện đại là kết hợp sự hỗ trợ của CNTT với những khả năng mới mẻ và ưu việt đã mang lại kết quả cao cho bài dạy và làm thay đổi cách tư duy, cách làm việc của cả người dạy và người học. Các phần mềm dạy học theo dự án (phần mềm active Ispire, phần mềm Mythware, phần mềm violet; phần mềm Lạc việt...) và 15 thiết bị dạy học (TBDH) trong phòng học thông minh có ưu thế hơn hẳn các ứng dụng CNTT đã có từ trước đến nay. Bài giảng ứng dụng các phần mềm nêu trên cộng thêm sự trợ giúp của 15 TBDH trong phòng học thông minh giúp giáo viên chủ động tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh một cách phong phú, hấp dẫn, khai thác các kiến thức bằng nhiều kênh thông tin và hiệu ứng. Giáo viên có thể đánh giá được kết quả học tập của toàn thể học sinh trong lớp ngay trong giờ học với độ chính xác cao.

Bên cạnh đó, các phần mềm và TBDH đặc biệt là Ipat giúp học sinh hứng thú hơn, tích cực, chủ động hơn, sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao cho. Học sinh giải quyết được khối lượng thông tin nhiều hơn và tốc độ xử lý thông tin cũng nhanh hơn, do đó các em thực hiện được nhiều bài tập hơn trong cùng 1 khoảng thời gian so với việc sử dụng phòng học thông thường. Các kĩ năng như¬ mắt nhìn, tai nghe, miệng thảo luận, tay viết, sử dụng Ipat, óc phán đoán đ¬ược phát huy cao độ... Các kỹ năng được củng cố thường xuyên do vậy các năng lực tự học, năng lực tự giải quyết vấn đề, năng lực sử dụng ICT, sử dụng ngôn ngữ, tính toán... hình thành một cách nhanh hơn, tự nhiên hơn.

Sau 02 tháng triển khai sử dụng phòng học thông minh, tại 2 trường dạy thí điểm đã thu được những kết quả tích cực. Tổng số giờ dạy có ứng dụng thiết bị mới trong phòng học thông minh của trường THCS Lê Quý Đôn là 593 tiết, trường TH Ngô Quyền là 560 tiết.

Những tiết học có sử dụng phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực đã thực sự góp phần phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Học sinh rất hào hứng khi được học tại các phòng học thông minh, chất lượng giờ học được nâng lên rõ rệt. Học sinh bước đầu đã khai thác có hiệu quả máy tính bảng vào hoạt động học tập của mình, biết sử dụng các thiết bị trong phòng học thông minh trong các tiết học.

Về phía giáo viên cũng có tâm thế, ý thức và trách nhiệm cao hơn trong việc bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và chuyên môn của bản thân, tự tìm tư liệu nghiên cứu, tham gia tích cực các buổi học tập chuyên môn của ngành. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% giáo viên cơ bản biết sử dụng 03 phần mềm được tập huấn vào giảng dạy: phần mềm active Ispire, phần mềm Mythware, phần mềm violet.

Tuy nhiên với số lượng phòng học thông minh được trang bị như hiện nay thì không thể đảm bảo để tất cả các lớp trong mỗi nhà trường đều được học tại phòng học này. Nếu mô hình được mở rộng sẽ tạo điều kiện để nhiều học sinh được tiếp cận với những phương tiện dạy học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các phòng học thông minh, trong thời gian tới Phòng GD tập trung chỉ đạo các nhà trường theo hướng:

- Cán bộ, giáo viên 02 trường THCS Lê Qúy Đôn và TH Ngô Quyền phải thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, tiếp cận với những đổi mới về PPDH, về TBDH của phòng học thông minh và đổi mới cách đánh giá hoạt động dạy của giáo viên, hoạt động học của học sinh để nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dạy học.

- Tăng cường chỉ đạo đổi mới sinh hoạt nhóm chuyên môn một cách cụ thể, thiết thực theo hướng xây dựng bài dạy và xác định rõ đây là nhiệm vụ hàng đầu, cốt lõi mà các giáo viên đang giảng dạy phải thực hiện.

- Giáo viên cần tích cực sử dụng đa dạng, phối hợp linh hoạt các phương pháp dạy học trong từng tiết học, bài học có sử dụng phần mềm, TBDH trong phòng học thông minh hợp lý để giờ học không nặng nề. Không ngừng phát huy tính tích cực học tập theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.

Dạy học có sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại là một điều kiện thuận lợi cho cả giáo viên và học sinh. Nhưng trên hết vẫn phải là sự tâm huyết của giáo viên và sự cố gắng của học sinh cùng với sự tương tác tích cực giữa giáo viên và học sinh mới có thể đạt được một giờ học thực sự chất lượng./.

 

Thực hiện: Lê Văn Hữu